Thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang là đúng quy trình

Thứ Ba, 05/06/2018, 08:08
Hiện nay, có nhiều ý kiến hoài nghi về việc UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang (gọi tắt là Công ty Hương Giang) bằng cách chuyển nhượng hơn 62% cổ phần tại công ty này cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc làm này là đúng quy trình, quy định của Nhà nước…


Qua tìm hiểu được biết, Công ty Hương Giang, trụ sở tại số 2 Nguyễn Công Trứ, TP Huế, là doanh nghiệp được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập từ năm 1996, được biết đến là đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn lớn hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên-Huế khi sở hữu khối khách sạn ở trung tâm TP Huế, như khách sạn 4 sao Hương Giang Resort&Spa (51 Lê Lợi, TP Huế). 

Ngoài ra, Công ty còn có một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH lữ hành Hương Giang (11 Lê Lợi, TP Huế); Công ty CP Du lịch Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang). 

Đồng thời, Công ty còn liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp khác, như liên doanh với Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế (khách sạn 4 sao Saigon Morin, 30 Lê Lợi, Huế, có tỷ lệ góp vốn 50%); liên doanh với Công ty Liên doanh khách sạn Kinh Thành để chi phối hoạt động khách sạn 5 sao La Residence, số 5 Lê Lợi, Huế… 

Trong giai đoạn 2007 đến 2013, Công ty Hương Giang đã thực hiện xong cổ phần hóa, vốn Nhà nước chỉ còn 62,86%. Theo giấy chứng nhận đầu tư, vốn điều lệ của Công ty Hương Giang là 200 tỷ đồng và 200 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/1 cổ phiếu.

Khách sạn Hương Giang Resort&Spa ở khu “đất vàng” TP Huế thuộc về Bitexco sau khi Công ty Hương Giang thoái vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo, liên tiếp nhiều năm từ 2014 đến 2016, hoạt động kinh doanh của Công ty Hương Giang bị thua lỗ nặng. Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiến hành quy trình, thủ tục thoái vốn tại công ty này. 

Ngày 30-3-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra Quyết định số 624 về việc phê duyệt nhà đầu tư là Bitexco nhằm thực hiện thoái vốn Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty Hương Giang; đồng ý thoái vốn trọn lô cho Bitexco với tổng số cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, mức giá chuyển nhượng 12.600 đồng/cổ phần, tương đương khoảng 158 tỷ đồng. 

Sau khi nhận chuyển nhượng số cổ phần trên cộng với hơn 7,6% cổ phần trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70% cổ phần của Công ty Hương Giang và đã “thâu tóm” được các khách sạn có vị trí đắc địa tại các khu “đất vàng” ở Huế gồm khách sạn Saigon Morin, La Residence, Hương Giang, Trung tâm dịch vụ Festival…

Điều khiến dư luận quan tâm và đặt vấn đề hoài nghi đó là việc UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chọn Bitexco làm nhà đầu tư chiến lược để thực hiện thương vụ thoái vốn nêu trên nhưng không qua đấu giá mà chỉ thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. 

Ông Nguyễn Mậu Chi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế (nhiệm kỳ 2012-2017) nhận định, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quá ưu ái cho nhà đầu tư chiến lược dễ dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Đặc biệt là khi Công ty Hương Giang có thương hiệu lớn, sở hữu khách sạn ở địa thế đẹp của trung tâm TP Huế nên giá trị thời điểm chuyển nhượng cổ phần giảm xuống chỉ còn 1/3 so với 9 năm trước là điều không thể chấp nhận. 

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ, Văn phòng Công ty luật Kỷ Nguyễn và cộng sự tại TP Huế cũng nêu ý kiến rằng, việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển nhượng cổ phần cho Bitexco không qua đấu giá tạo ra lỗ hổng dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình chuyển nhượng. 

Căn cứ khoản 4, Điều 38, Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Hương Giang phải thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, nếu các bước được thực hiện cùng một lúc thì mới bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. Khi không thẩm định đúng quy trình sẽ tạo ra lỗ hổng và tạo tiền lệ xấu...

Tuy nhiên, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, qua nghiên cứu, khảo sát và đánh giá, tỉnh đã chọn Bitexco làm nhà đầu tư chiến lược; đồng thời đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Hương Giang. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ có văn bản thống nhất cho tỉnh được chọn nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh để thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện có tại Công ty Hương Giang theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. 

Đối với việc thuê đất, sau cổ phần hóa năm 2008 đến nay, toàn bộ khu đất mà Công ty Hương Giang đang tọa lạc được hợp đồng thuê của Nhà nước, trả tiền theo từng năm và chỉ dùng vào mục đích làm du lịch cao cấp, không được đầu tư bất động sản khác. Như vậy theo quy định hiện hành, khu đất này không được chuyển nhượng khi thoái vốn Nhà nước… 

Ông Nguyễn Văn Cao khẳng định, việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang đã được thực hiện đúng theo quy trình, quy định Nhà nước và được chuyển nhượng với giá cao nhất tại thời điểm đó.

Anh Khoa
.
.
.