Chủ động đón cơ hội phát triển kinh tế và thương mại

Thứ Ba, 03/09/2019, 08:31
Cuộc chiến giữa Mỹ - Trung Quốc đã tạo nên biến động mạnh trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, làm trì trệ hoạt động xuất khẩu từ những quốc gia đang phải chi trả thêm thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết đón bắt cơ hội, phát huy những lợi thế để gia tăng xuất khẩu, gia nhập vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.


Công ty đa quốc gia di chuyển sang Việt Nam

TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng.

Đối với Việt Nam thì vòng xoáy của cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ tác động lớn tới cả kinh tế và thương mại, theo cả hai chiều hướng tiêu cực và tích cực. Cụ thể, nếu nhìn vào ngắn hạn, có nhiều nguyên do để chúng ta có thể lạc quan, nhưng về dài hạn, chiến tranh thương mại đang mang đến những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn cho Việt Nam.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, tác động tích cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng. Trong 8 tháng đầu năm cả nước xuất siêu với 3,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến.

Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng.

Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn tác động đến tỉ giá, đặc biệt là tỉ giá đồng nhân dân tệ (NDT) hiện đang mất giá rất lớn, khiến giá cả hàng hóa Trung Quốc ở thị trường Việt Nam rất rẻ, nhất là tác động lĩnh vực bán lẻ.

Báo cáo kinh tế Việt Nam – Điểm sáng của châu Á giữa bối cảnh căng thẳng thương mại do Ngân hàng UOB vừa công bố cho thấy, các công ty đa quốc gia đang định hướng di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Ông Suan Teck Kin, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế & Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh như vị trí địa lý gần với Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ, mức lương cạnh tranh, đặc quyền thương mại đến từ nhiều phía và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Những lợi thế này giúp Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn ở châu Á. Năm 2019, mức lương tối thiểu tại Việt Nam tăng, dẫn đến sự dao động mới của mức lương tối thiểu hàng tháng từ 126-180 USD trên khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 38% đến 54% so với mức của Trung Quốc là hơn 330 USD mỗi tháng ở một số tỉnh thành. Mức lương tối thiểu của Thái Lan là 274 USD, cũng cao hơn so với Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, CPTPP và các FTA có thể là “cứu cánh” quan trọng cho Việt Nam trong việc giải quyết các khó khăn về đầu tư.

Theo đó, CPTPP với tiêu chuẩn cao về thể chế, đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ là lý do khiến DN ngoại chọn lựa Việt Nam thay vì buộc phải đến để né tránh thương chiến…

Cần chuẩn bị tốt thông tin về phòng vệ thương mại

TS Lê Huy Khôi đánh giá, cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ xuất hiện những cơ hội mới về kinh tế và thương mại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến chúng ta có thể gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo TS. Khôi thì các DN Việt Nam thuộc mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm của DN thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại này.

Ngoài ra, rào cản về thuế quan từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sẽ làm cho sản phẩm Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao, không thể tiếp cận được đối tượng tiêu thụ tại hai thị trường đối đầu trực tiếp, cũng như các thị trường mà sản phẩm đó đang hiện diện.

Khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh.

Điều này có thể sẽ khiến cho cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc quay lại xu hướng gia tăng, sau khi chúng ta đã đạt được mục tiêu dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại với nước này trong thời gian gần đây. Đặc biệt, tranh chấp có thể dấy lên giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc về vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Để khai thác những cơ hội và hạn chế những thách thức đối với phát triển thương mại của Việt Nam, TS Lê Huy Khôi cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu ở các cửa khẩu, hải quan, sát sao phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa và các đội quản lý thị trường cần theo dõi kĩ hơn địa bàn. Đặc biệt, xem xét, cân nhắc việc việc điều chỉnh tỷ giá tiền đồng trước những diễn biến về tỷ giá nhằm kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu.

DN cần khẩn trương tìm hiểu thị trường cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là với các loại hàng hoá trong danh mục mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, hay danh mục hàng hóa mà Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ để tìm cơ hội đa dạng hoá và thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này.

Lưu Hiệp
.
.
.