Chấm dứt cho vay ngoại tệ để giảm dần sự lệ thuộc

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:37
Sau 2 lần được Ngân hàng Nhà nước gia hạn kéo dài 2 năm nhằm mục đích hỗ trợ nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp (DN), nếu không được tiếp tục gia hạn thì sau ngày 31/12, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng sẽ phải chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp. Thực trạng này khiến không ít DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là những DN đang nợ ngoại tệ của ngân hàng băn khoăn.

Tuy nhiên, theo khẳng định của một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh, tuy là chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ, nhưng những khoản vay đã phát sinh trước đó vẫn sẽ được ngân hàng và DN thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng vay, hoặc 2 bên có thể thương lượng để tất toán việc vay vốn bằng ngoại tệ trước hạn. Việc chấm dứt cho vay không phải các ngân hàng không cung cấp ngoại tệ ra thị trường, mà chỉ chuyển từ hình thức cho vay sang hình thức mua bán trực tiếp theo nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ cụ thể của từng DN.

Với đồng ngoại tệ mạnh là USD, năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh đạt trên 32 tỷ USD, trong khi giá trị hàng hóa nhập khẩu chỉ ở mức gần 26 tỷ USD. Cộng với lượng kiều hối về qua thành phố đạt khoảng 5 tỷ USD nên nguồn cung cấp ngoại tệ mạnh này phục vụ nhập khẩu hàng hóa khá dồi dào.

Sau ngày 31/12, các ngân hàng có thể sẽ chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ. Ảnh: Thiện Hoàng.
Theo Chi nhánh NHNN thành phố, năm nay nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục tăng đến 7,58%, chiếm khoảng 17% trong tổng vốn huy động. Trong khi đó, do được bảo đảm mức biến động tỷ giá chỉ 1 – 2%/năm, lại còn hưởng mức lãi suất vay khá nhẹ, chỉ ở mức 3 – 5%năm, nên đến thời điểm này, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tại thành phố đã tương đương với mức 176.700 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2013.
Nếu không có gì thay đổi, sau ngày 31/12, các ngân hàng sẽ chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ với doanh nghiệp.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, việc mất cơ hội vay vốn rẻ bằng ngoại tệ cũng không ảnh hưởng nhiều đến DN có nhu cầu vào thời điểm này. Bởi tuy lãi suất rẻ nhưng đi vay bằng ngoại tệ mạnh, DN còn phải chịu thêm khoản chi phí rủi ro về tỷ giá, trong khi lãi suất cho vay bằng tiền đồng hiện đã giảm xuống khá thấp. Ngược lại, việc chấm dứt cho DN vay vốn bằng ngoại tệ, trong lúc đầu vào của các ngân hàng dồi dào, khi đó các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn nữa trong việc bán ra ngoại tệ và điều này sẽ góp phần kéo giá mua, bán ngoại tệ rẻ thêm.

Việc chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ mạnh, chuyển sang hình thức mua bán theo từng trường hợp cụ thể sẽ góp phần giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD cùng những ảnh hưởng bất lợi liên quan giống như chính sách giảm vàng hóa trong nền kinh tế mà NHNN đã áp dụng thành công với thị trường vàng
.

Đ.Thắng
.
.
.