Doanh nghiệp Việt sống quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng

Thứ Ba, 22/09/2015, 17:00
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo“Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và VCCI tổ chức sáng 22/9. Vì quá phụ thuộc, nên tín dụng tăng- doanh nghiệp (DN) phát triển, tín dụng tắc, DN gặp muôn vàn khó khăn.

Lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Theo xếp hạng của ngân hàng thế giới, Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn- và câu chuyện khó vay vốn do lãi suất cao, tài sản thế chấp vẫn là chuyện muôn thuở. Song, nói nhiều, kêu nhiều, nhưng “gỡ” dường như chẳng được bao nhiêu. Đặc biệt, năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu, rộng của nước ta- điều này đang và sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là những thách thức của tiến trình hội nhập. Song, tiếp cận dòng vốn ưu đãi vẫn đang là vấn đề “đau đầu” của DN hiện nay, đặc biệt là vốn cho DNNVV. Vậy làm thế nào để tiếp tục tháo gỡ khó khăn này cho DN?

Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho biết, giữa DN và NH từ năm 2008 tới nay đều chịu khó khăn và áp lực như nhau. DN rất cố gắng và gồng mình để vượt qua và chống chọi với những khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại. Có thể nói không có ngành nghề nào của DN ở Việt Nam lại không khó khăn cả; không chỉ ở thị trường trong nước mà thị trường xuất khẩu thu hẹp. Mặc dù chính sách của NHNN trên tất cả lĩnh vực đều có những cố gắng hỗ trợ cho DN, tuy nhiên, theo ông Lý, thời gian tới, NHNN Việt Nam cần quan tâm hơn tới hỗ trợ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, với các DN nhỏ lẻ, công tác an sinh xã hội cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Thừa nhận những khó khăn của DN, chuyên gia NH-TS Cấn Văn Lực dẫn chứng tín hiệu khả quan của nền kinh tế đó là tín dụng năm 2015 tăng tốt hơn cùng kỳ các năm trước. Tín dụng tăng, đồng nghĩa với vốn chảy vào nền kinh tế tăng. Song, mặt trái của “tấm huy chương” này là do hoạt động DN phụ thuộc vào vốn NH, nên khi NH tăng tín dụng, DN tăng đầu tư khiến sản lượng tăng. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, hiện tại nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn còn yếu. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do tốc độ giảm hàng tồn kho chưa đáng kể; Tiêu dùng thực có tăng, nhưng còn khiêm tốn; Sản xuất kinh doanh chưa thực sự theo đà mở rộng; Thiếu các dự án đầu tư có hiệu quả… Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách như bảo lãnh cho DN (nhất là SMEs-DNNVV) vay vốn chưa được đẩy mạnh, hướng dẫn thực hiện đôi khi còn chậm…

Ngoài vốn NH, DN cần chủ động nguồn vốn kinh doanh của mình.

Giảm lãi, mở “room” để cứu doanh nghiệp

Là người có tiếng nói đại diện cho DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ động đưa ra 5 kiến nghị để “gỡ”. Thứ nhất, mặc dù NHNN đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi, nhưng ở thời điểm hiện nay, lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. Thứ hai, hiện nay, rất nhiều NH đã hết room tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Do vậy, NHNN cần đưa ra chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận được nguồn vốn. Thứ ba, NHNN nên tiếp tục kiên định chủ trương của mình trong việc tái cấu trúc nhằm xây dựng hệ thống NH lành mạnh. Thứ tư, các NHTM phải triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của NHNN. Muốn như vậy, bản thân NH cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp DN sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ NH trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Thứ năm, hiện tại, nhiều DN Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn NH. Đây là vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn. Trong thời gian tới, NH cần tính toán lại để đảm bảo sự cân đối giữa vốn tự có của DN và vốn cho vay của NH.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các DN trong thời gian tới sẽ cần rất nhiều vốn vì họ phải đổi mới công nghệ, cần vốn đề đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu, giải quyết nợ tồn kho…Theo TS Nguyễn Minh Phong, các DN ngoài trông chờ vào vốn từ NH, cũng nên tìm tới các nguồn vốn thông qua các hoạt động như: có vốn tự có, tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tăng cổ phần hóa, tăng hoạt động M&A; tham gia vào chuỗi liên kết, các hoạt động để nhận các gia công của các tập đoàn lớn; thực hiện lựa chọn dự án đầu tư.

Từ phía NHNN, TS Nguyễn Tiến Đông- Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng đưa ra một số gợi ý đối với DN. Theo đó, để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, các DN cũng cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Song song với đó, phải tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định; tăng cường tính liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là giữa DN có cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để các DN có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng phát triển bền vững. Đặc biệt, phải đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc duy nhất vào nguồn tín dụng NH; tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng; xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả; Tham gia các Hiệp hội DN trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh, tìm kiếm sự hợp tác trong kinh doanh giữa các DN để tận dụng nguồn lợi của nhau cùng phát triển...

Lệ Thúy
.
.
.