Cảnh báo các chương trình hỗ trợ có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp

Thứ Sáu, 29/05/2015, 09:11
Trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU... 

Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí là cấm Chính phủ được thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế. Đây cũng là nội dung được các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm tại hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế: Còn lại gì sau các hiệp định thương mại tự" do Trung tâm WTO (VCCI) và actionAid tổ chức ngày 28/5 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, trên thực tế nước nào cũng có biện pháp bảo hộ nhất định cho ngành nào đó. Trong đàm phán TPP khó khăn, phức tạp vì các nước trong đàm phán đều cố gắng giữ lại biện pháp bảo hộ cho mình, như Nhật luôn muốn bảo hộ cho nông sản, Hoa Kỳ đàm phán với Việt Nam về giày dép khó vì muốn bảo hộ ngành giày dép của họ và giữ lại thuế quan cho ngành này. 

Với các FTA tới, như TPP, FTA VN-EU thế hệ mới, phạm vi cam kết rộng, và đồng nghĩa không gian chính sách cho các ngành sẽ hẹp đi, số lượng, loại chính sách có thể sử dụng cho các ngành sẽ ít đi nên phải tinh hơn và hiệu quả hơn.

Khi bàn về vấn đề cơ hội và thách thức sau các hiệp định thương mại tự do, bà Nguyễn Hằng Nga, Ban Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) đưa ra cảnh báo về các chương trình hỗ trợ đều có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp.

Bà Nguyễn Hằng Nga cho biết, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007) tới nay, Việt Nam đã đối mặt 7 vụ tại 5 nước điều tra chống trợ cấp, bán phá giá (trong đó Hoa Kỳ chiếm 5 vụ).

Theo bà Nga, các cuộc điều tra chống trợ cấp tập trung chủ yếu vào những nhóm chương trình Chính phủ như: Cho vay (cho vay từ ngân hàng thương mại nhà nước cho vay ưu đãi với ngành thép, thủy sản…) thể hiện qua quy hoạch, chiến lược phát triển ngành; nhóm chương trình miễn giảm thuế (miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp)...

Đặc biệt, các chương trình Chính phủ cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn mức thông thường cũng được các nước để tâm. Điển hình như miễn giảm tiền sử dụng đất, mặt nước với ngành thủy sản, hoặc bán nguyên liệu thấp hơn giá thị trường. Như ngày 14/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam, với mức 323,99%. 

Theo bà Nga, cơ sở Hoa Kỳ đưa ra là Chính phủ Việt Nam đã bán dây thép để sản xuất đinh với giá thấp hơn giá trị thông thường. “Khi điều tra những chương trình này, chính phủ nước ngoài để kết luận nó có thể đối kháng. Do đó, những hàng hóa liên quan tới các chương trình này đều bị áp thuế rất cao”, bà Nga nói. 

Theo bà Nga, hầu hết chương trình hỗ trợ hiện nay đều có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp, vì đều đáp ứng các điều kiện của WTO để có quyền đối kháng. Do đó, các doanh nghiệp thường yêu cầu Chính phủ có chính sách hỗ trợ, nhưng cần ý thức rằng, khi nhận trợ cấp từ Chính phủ trong tương lai có thể bị điều tra việc chống trợ cấp của nước ngoài.

“Khi tham gia các vụ kiện, có chương trình trợ cấp với lĩnh vực của mình nhưng doanh nghiệp hoàn toàn không biết, chỉ khi bị điều tra mới ngớ ra. Với chương trình hiệu quả có thể đối mặt nguy cơ bị kiện nhưng ta có thể giảm mức độ để vẫn tiếp tục, còn chương trình không hiệu quả nên kiên quyết chấm dứt để tránh bị kiện oan”, bà Nga đề xuất.

Theo bà Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tự bảo vệ mình. Khi các doanh nghiệp có bằng chứng đầy đủ về hàng nhập khẩu bán phá giá, nhập ồ ạt gây thiệt hại cho mình có thể gửi hồ sơ lên Bộ Công thương để khởi kiện, điều tra chống bán phá giá, trợ cấp thương mại. Tới nay, Việt Nam đã điều tra 3 vụ kiện thương mại, trong đó có 1 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ.

L.Hiệp
.
.
.