Cẩn trọng với doanh nghiệp tăng vốn điều lệ “khủng”, bất thường

Thứ Hai, 05/10/2020, 09:19
Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng để làm thủ tục thì ai cũng có thể đứng tên một công ty với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nghe có vẻ như đùa nhưng đó lại là chuyện thật. Không ít kẻ lừa đảo sử dụng giấy đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ “khủng” để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội...


“Siêu lừa thiên thạch” Lê Văn Huy (SN 1966, ngụ tỉnh Bình Thuận) có dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, răng sún nhưng bù lại ông ta nói năng rất hoạt bát, đi xe ôtô đắt tiền (xe thuê) và đặc biệt lúc nào cũng mang theo giấy đăng ký kinh doanh Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Hoàng Huy Gia Ðịnh với VÐL lên đến 7.000 tỷ đồng. Chính sự hào nhoáng này mà ông ta được không ít người xem là “đại gia”. 

Ban đầu, Huy cho đồng bọn tiếp cận “con mồi” để phao tin về thiên thạch có tính năng làm đông cứng thuỷ ngân, đốt thuỷ ngân không bị nóng chảy, làm đá lửa bị chuyển màu... và dặn dò nếu ai tìm được nguồn thiên thạch thì công ty của Huy sẽ thu mua lại với giá 80 triệu USD/kg để bán ra nước ngoài cho các tổ chức nghiên cứu về… vũ trụ. Sau đó, các đồng bọn khác của Huy sẽ đóng giả người có thiên thạch cần bán với giá thấp để dẫn dụ “con mồi”.

Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc với vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng.

Tưởng mình sắp trúng mánh lớn, bị hại liền liên hệ với Huy để gạ bán thiên thạch. Huy gặp ngay bị hại, chìa ra giấy đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ (VÐL 7.000 tỷ đồng và tuyên bố mua lại ngay thiên thạch. Thế là bị hại liền đặt cọc mua thiên thạch nhằm bán lại hưởng chênh lệch với số tiền lớn và… sập bẫy. 

Với chiêu này, chỉ trong vòng hai năm, Huy cùng đồng bọn đã thực hiện 5 phi vụ lừa đảo tương tự chiếm đoạt tổng cộng hơn 46 tỷ đồng. Lúc bị bắt, cơ quan điều tra xác minh công ty của Huy thì mới hay chỉ tồn tại trên giấy tờ…

Ðể lừa đảo hơn 2.600 người, các “ông chủ” của “Tập đoàn” Ðịa ốc Alibaba là anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực cũng sử dụng chiêu VÐL “khủng”. 

Cụ thể, khi đăng ký kinh doanh lần đầu ngày vào 5/5/2016, Công ty Alibaba chỉ có VÐL 1 tỷ đồng. Thế nhưng đến đầu tháng 12/2016, công ty này đăng ký thay đổi lần thứ 1 với VÐL nâng lên 20 tỷ đồng. Và chỉ 9 tháng sau, 26/9/2017, khi đăng ký thay đổi lần thứ 3, VÐL lên đến con số 1.600 tỷ đồng, góp vốn bằng tiền mặt. 

Trong đó, riêng Nguyễn Thái Luyện góp đến 80% VÐL, tức 1.280 tỷ đồng! Kinh khủng hơn nữa là Công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, tuy chỉ mới đăng ký kinh doanh lần đầu nhưng vốn điều lệ đã lên đến12.000 tỷ đồng với 3 cổ đông góp vốn gồm Công ty TNHH Ðầu tư và Xây dựng Ali và hai cá nhân. 

Nực cười hơn là công ty Xây dựng Ali do Nguyễn Thái Luyện làm giám đốc đăng ký VÐL là 100 tỷ đồng nhưng lại góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh lên đến 7.800 tỷ đồng mà toàn bằng… tiền mặt! Tính ra, trong năm 2017, Nguyễn Thái Luyện phải “chi” ra hơn 9.000 tỷ đồng để góp vốn vào 2 công ty nói trên. 

Trong khi đó, mới bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2016, Nguyễn Thái Luyện phải vay mượn tiền để thành lập công ty với số vốn ban đầu chỉ vài chục triệu đồng. Chỉ sau một năm kinh doanh mà VÐL nhảy vọt đến phi lý như vậy cộng với kiểu làm ăn lừa lọc “dự án ma” nên các chuyên gia về bất động sản lúc bấy giờ đều dự đoán sớm muộn gì Luyện cũng trả giá trước pháp luật và thực tế đã chứng minh điều đó…

Bên cạnh lợi dụng đăng ký VĐL cao để lừa đảo, nhiều đối tượng còn dùng VĐL vào mục đích làm “đẹp” hồ sơ để vay vốn ngân hàng. Phạm Quốc Dũng trước khi bị bắt giữ về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là giám đốc Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình. Để vay ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng, Dũng thành lập các công ty ma với VĐL hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Sau đó công ty Thanh Bình đứng ra bảo lãnh để các công ty này vay vốn ngân hàng. Khi đã hoàn thành “sứ mệnh” thì các công ty này biến mất…

Theo quy định hiện hành, nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh không yêu cầu mức vốn pháp định thì VĐL ghi bao nhiêu là tùy người thành lập. Pháp luật không có quy định về mức VĐL tối thiểu, tối đa, tức là không hạn chế việc bỏ tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh. Người đăng ký doanh nghiệp có toàn quyền quyết định mức vốn góp vào doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty và đảm bảo việc hoạt động kinh doanh hiệu quả. Người thành lập cũng không cần chứng minh VĐL trong tài khoản ngân hàng.

Cũng theo quy định của pháp luật, thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp. 

Tuy nhiên theo thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký mức vốn điều lệ công ty nhưng sau đó cũng không cần chứng minh hay thay đổi. Trong trường hợp không góp đủ số tiền theo VĐL, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng nhưng trên thực tế chưa thấy doanh nghiệp nào bị phạt vì chẳng có cơ quan nào kiểm tra VĐL của doanh nghiệp cả. 

Một cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc hậu kiểm VĐL doanh nghiệp là nhiệm vụ của Sở Kế hoạch - Đầu tư nhưng lâu nay “mặt trận” này gần như bỏ ngỏ. Bởi với số lượng hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập mỗi năm thì cũng không đủ con người để làm việc này. Việc kiểm tra VĐL chỉ xảy ra khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo… liên quan đến VĐL của doanh nghiệp nào đó mà thôi.

Chính vì sự thông thoáng đó mà nhiều “công ty ma” hình thành ghi VĐL vô tội vạ để lừa đối tác. Nạn nhân của các công ty này không chỉ có các cá nhân thiếu am hiểu về VĐL mà ngay cả các công ty cũng sập bẫy. Bởi những doanh nghiệp làm ăn chân chính góp đúng, đủ VĐL cứ nghĩ đối tác cũng như mình nên thiếu thận trọng, không kiểm tra thực lực tài chính của đối tác. Đến khi xảy ra tranh chấp thì doanh nghiệp nghìn tỷ chẳng có đồng nào trong tài khoản. 

Do vậy mà trong khi pháp luật chưa kín kẽ và chế tài đủ mạnh để xử lý doanh nghiệp có VĐL ảo, những người kinh doanh chân chính cần buộc đối tác chứng minh tài chính bằng tài sản, tài khoản ngân hàng… trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Mã Hải
.
.
.