Cần quyết tâm và trách nhiệm để hoàn thành cổ phần hoá

Thứ Sáu, 27/03/2015, 09:14
Chiều 26/3, Hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 3 tháng đầu năm đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành cho biết việc thoái vốn ở một số tập đoàn đang diễn biến thuận lợi, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, việc thoái vốn, cổ phần hoá vẫn còn chậm.

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ đề nghị trong 9 tháng tới, sẽ phải xử lý nghiêm lãnh đạo DN không thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá.

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tính đến 24/3 vừa qua, 289 DN cần hoàn thành cổ phần hoá trong năm 2015, nhưng hiện, chỉ có 29 DN đã cổ phần hoá. Ngoài ra, đã bán 1 DN và giải thể 1 DN. Đối với kết quả thoái vốn, Ban chỉ đạo cho biết, cả nước đã thoái được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đạt kết quả cao nhất, đã thoái 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị thu về thoái vốn.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, 7 đơn vị đã thực hiện thoái vốn đạt kết quả tốt, là Viettel, PVN, VNPT, EVN... Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cho biết, một số khó khăn trong xác định giá trị DN để cổ phần hoá đến nay vẫn chưa được giải quyết như, hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn Nhà nước, xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển DN thành công ty cổ phần, xác định giá trị cổ phiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn đối với DN chuyển sang cổ phần nhưng chưa có điều kiện IPO ngay. Việc thoái vốn của một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính còn chậm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Đến thời điểm này, các cơ chế chính sách đã phù hợp, các vướng mắc còn lại đều không lớn, đều đã có chủ trương sửa đổi ở các Nghị định, văn bản của Chính phủ. Sơ kết nhìn lại, việc tái cơ cấu DNNN đã đạt được kết quả tích cực, DNNN cổ phần hoá đạt kế hoạch, các DN đã cổ phần hóa đều đã hoạt động có hiệu quả. Qua thực tiễn cho thấy, DNNN nên thu về chỉ làm những ngành nghề mà các thành phần khác không có điều kiện làm.

Cùng với thoái vốn, các DNNN đều điều chỉnh mục tiêu chiến lược kinh doanh, đổi mới, hoàn thiện hơn. Hiệu quả tổng thể DNNN tốt hơn, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, thu nhập của người lao động tăng, tổng tài sản tăng. Mặc dù vừa qua, cổ phần hoá thu về khoảng 70 ngàn tỷ, nhưng tổng tài sản của DNNN vẫn tăng, đạt 3,2 triệu tỷ. DNNN vẫn thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, như xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông, hàng không. Tuy nhiên, hiệu quả chưa tương xứng. Một số DNNN còn lỗ, hiệu quả thấp, mặc dù lỗ đã giảm đi, năng suất lao động trong DNNN thấp, vốn chủ trương cổ phần hoá thu về để đầu tư lĩnh vực khác còn chậm.

Thủ tướng cũng cho rằng hết năm nay “giỏi lắm cổ phần hóa thu về được 150 ngàn tỷ, trên tổng tài sản hơn 3,2 triệu tỷ, trên tổng vốn 1,2 triệu tỷ, còn quá ít, chưa được như mong muốn”. “Thể chế, chính sách đã đầy đủ, vấn đề còn lại là quyết tâm và trách nhiệm”.

Thủ tướng giao nhiệm vụ từng Bộ trưởng phải quyết tâm chỉ đạo làm để hoàn thành cổ phần hóa 289 DN trong 9 tháng tới.

V.Hân
.
.
.