Cần đẩy mạnh quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế

Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:41
Ngày 12-7, tại Hà Nội, Trường Đại học Thương mại đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam năm 2019, với chủ đề “Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam”, do GS.TS Đinh Văn Sơn chủ biên cùng nhóm biên soạn là các chuyên gia có uy tín về kinh tế-thương mại.

Đây là ấn phẩm đầu tiên trong chuỗi Báo cáo thường niên của Trường Đại học Thương mại được dựa trên những số liệu, minh chứng có chọn lọc, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, thương mại tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Hà Văn Sự, Trưởng Khoa Kinh tế-Luật, Trường ĐH Thương mại, thành viên của nhóm biên soạn, từ năm 2013 đến nay, đồng thời với việc liên kết, hợp tác và đàm phán các hiệp định FTA giữa nhiều quốc gia ở các khu vực trên thế giới là sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại có xu hướng tăng nhanh. 

Xu hướng này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế của quốc gia cũng như toàn cầu. Các ngành sản xuất trong nước, kể cả những ngành sản xuất non trẻ khó có thể phát triển bền vững với chính sách bảo hộ mậu dịch của Nhà nước. Đặc biệt, bảo hộ thương mại có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực để đáp ứng tốt các quy định về hàng rào kỹ thuật cho xuất khẩu.

Việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa của nước này kém khả năng cạnh tranh hơn, thậm chí còn tạo ra xu hướng dịch chuyển nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc sang thị trường thay thế khác, trong đó có Việt Nam. 

Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dự báo sẽ lên đến đỉnh điểm trong năm 2020-2021, điều này sẽ khiến Việt Nam chịu sức ép ngày càng lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tỷ giá và kiểm soát lạm phát, khu vực FDI cũng giảm dần, sức ép từ việc tăng tỷ giá đồng USD tăng. 

Ngoài ra, khi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam...

Từ những phân tích sâu về triển vọng kinh tế vĩ mô, xu hướng bảo hộ thương mại, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cho phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam trong năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Đó là Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo hệ thống cân bằng tổng thể; nâng cao chất lượng quản lý vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công. 

Đối với đầu tư nước ngoài, cần xây dựng định hướng thu hút FDI có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đối với thị trường thương mại nội địa, cần quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế; gắn lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động và hiệu quả. 

Đối với xuất nhập khẩu, cần tiếp tục đàm phán với các FTAs, tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu; hạn chế xuất siêu, nhập siêu ở một số thị trường chính để đảm bảo xuất khẩu bền vững. Đáp ứng các quy định về hàng rào kỹ thuật cho xuất khẩu; hạn chế bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; tận dụng các cơ hội, phòng ngừa gian lận thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để đẩy mạnh xuất khẩu.

Huyền Thanh
.
.
.