Giải pháp bền vững để chia sẻ nguồn nước sạch từ TP Hồ Chí Minh về ĐBSCL:

Cần có sự thống nhất, chủ trương từ Trung ương

Thứ Sáu, 20/03/2020, 17:46
 Ngoài việc công bố tình huống khẩn cấp, nhiều địa phương, nhất là vùng duyên hải ĐBSCL đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra....


Hạn mặn đang diễn ra rất gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tại nhiều nơi, người dân đã phải mua nước ngọt phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày với giá đắt đỏ. Đến nay, ngoài việc công bố tình huống khẩn cấp, nhiều địa phương, nhất là vùng duyên hải ĐBSCL đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

“Những ngày qua, chúng tôi cũng cùng cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ nước ngọt với người dân một số tỉnh miền Tây, mong bà con sẽ vượt qua những ngày khó khăn nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi có nghĩ đến giải pháp bền vững hơn. Và tất nhiên, để điều đó thành hiện thực, rất nhiều việc phải được tiến hành một cách khẩn trương, trong đó trước tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ trương từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương có liên quan…”, ông Trần Văn Khuyên – Chủ tịch Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) đã bày tỏ tình cảm, trách nhiệm như thế khi trò chuyện với PV Báo CAND quanh câu chuyện hạn mặn đang diễn ra gay gắt tại ĐBSCL.

Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Sawaco.

PV: Chia sẻ nước sạch cho người dân miền Tây, ý tưởng “táo bạo” này có từ khi nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Khuyên: Vài năm trước, chính xác là khi cơn hạn mặn lịch sử vào đầu năm 2016 diễn ra. Ngay sau đó, Công ty CP cấp nước Nhà Bè – một đơn vị con của Sawaco đã phát triển mạng chia sẻ cho 4 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc (Long An), giáp với TP Hồ Chí Minh, gồm: Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây và Phước Vĩnh Đông, với tổng lượng nước tiêu thụ hiện khoảng 3.400 m3/ngày.

Tiếp tục mở rộng thực hiện việc chia sẻ này, thực hiện ý kiến chỉ đạo thống nhất giữa lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Long An, Sawaco đầu tư hạ tầng phát triển mạng cấp 2 dọc Quốc lộ 50 để cung cấp nước sạch cho một phần huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước. 

Dự án này đã được khởi công năm 2016. Tuy nhiên, đường ống đang vướng 2 chỗ, đó là tại vị trí giao cắt dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành và 1 hộ dân (cạnh chân cầu Ông Thìn). Tổng chiều dài bị vướng chỉ khoảng 400m. Nếu vướng mắc này sớm được tháo gỡ, thì có thể vào giữa năm nay, đường ống 5,3 km dẫn hoàn thành, nước sạch sẽ về tới từng hộ dân.

PV: Phục vụ nhu cầu nước sạch, an toàn cho một thành phố có hơn  chục triệu dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp, đã là nhiệm vụ rất nặng nề. Vậy ngoài tấm lòng, thì từ những điều kiện nào cho thấy Sawaco có đủ sức để chia sẻ cho người dân miền Tây? Ông có thể nói rõ hơn?.

Ông Trần Văn Khuyên: Hiện nay, công suất sản xuất nước của Sawaco là 2,4 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, mỗi ngày, toàn thành phố tiêu thụ chỉ gần 2 triệu m3; hơn 400 ngàn m3 còn lại, được đưa vào mục đích nguồn dự trữ. Trong điều kiện hiện nay với khả năng của mình, Sawaco vẫn có thể sẵn sàng chia sẻ một số địa bàn lân cận có nhu cầu về nước sinh hoạt.

Công nhân Sawaco thi công tuyến ống dẫn để chia sẻ nước ngọt sinh hoạt  cho người dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Vừa qua, khi có ý kiến của Ủy ban MTTQ thành phố đề xuất hỗ trợ nước sạch cho một số hộ dân khó khăn bị hạn nặng của tỉnh Bến Tre, chúng tôi thực hiện ngay và đưa về đây một số chuyến. Khó khăn nhất là phương tiện vận chuyển nước sạch. Tương tự, với đề xuất Sawaco hỗ trợ nước sạch cho một số hộ dân ở tận Cà Mau, chúng tôi đã phối hợp với một đơn vị Quân đội chuyển 8.000m3 nước sạch về đây rồi. Sawaco luôn tích cực và sẵn sàng chia sẻ với người dân miền Tây thân thương.

Tất nhiên, chuyện dùng phương tiện chở nước về cho bà con miền Tây chỉ là giải pháp tức thời, mang tính “chữa cháy” trong lúc hạn mặn thôi. Về chiến lược lâu dài, chuyện đảm bảo nước ngọt cho cả miền Tây đủ dùng, đây là bài toán lớn, phải có chủ trương lớn, nguồn lực lớn… Bởi có một thực tế, cách nay chưa lâu lắm, ít ai dám nghĩ một vùng đất giàu tiềm năng, xưa nay luôn lo bị ngập nước vì lũ từ dòng Mekong tràn về, giờ lại thiếu nước

Thú thật, khi tham gia vận chuyển nước sạch về cho bà con những ngày qua, chúng tôi cũng nghĩ nhiều về giải pháp thực hiện hiện tưởng của chính mình. Nếu được phép, tuyến ống nước sạch có thể sẽ chạy dọc theo tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; tiếp theo đó là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận;… Khi đó, việc đưa nước về tập các khu vực đang bị hạn mặn bủa vây sẽ rất đơn giản, rất ít tốn kém.

Để thực hiện phát triển mạng cấp nước từ TP Hồ Chí Minh về các địa phương miền Tây, tôi cho rằng, đây phải là chủ trương lớn, trước hết là từ Chính phủ, các Bộ, chính quyền các tỉnh lận cận. Bởi Nghị định 117 của Chính phủ hiện đã quy định vùng cung cấp nước sạch đối với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho người dân rồi. 

Thấy tình cảnh người dân trong cơn hạn mặn thì “dân làm nước” như chúng tôi sốt ruột, nảy sinh ra ý tưởng như vậy thôi. Nếu muốn biến ý tưởng này thành hiện thực, tôi nghĩ rằng rất nhiều việc phải làm, trên tinh thần quyết tâm cao độ, sự đồng thuận  từ Trung ương đến địa phương. Bởi đây không phải chỉ giải quyết bài toán khó trước mắt mà xa hơn nữa, chúng ta phải tính toán thật kỹ yếu tố “được và không được”. Hay nói cách khác, đây là một chiến lược tối ưu về nước ngọt cho một vùng rộng lớn, trù phú xưa nay và tương lai.

PV: Nếu như có chủ trương đồng ý cho TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh lân cận để sớm chuyển nước sạch về cho người dân miền Tây (trước mắt là vùng lân cận), việc cần phải làm ngay (cả từ phía thành phố và các địa phương) trong lúc này là gì, thưa ông?

Ông Trần Văn Khuyên: Sawaco là một doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, là đơn vị được giao sản xuất - truyền tải - cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân thành phố. 

Thú thật, khi nảy sinh ý tưởng chia sẻ nước cho miền Tây, chúng tôi nhận thức được rằng, một mình Sawaco dù rất muốn cũng không thể thực hiện trọn vẹn được. Nếu các tỉnh đầu tư tuyến ống cấp nước đến ranh của thành phố, Sawaco sẽ cung cấp nước tại ranh này, tất nhiên, mọi việc phải làm đúng quy định. Còn nếu có chủ trương của cấp có thẩm quyền giao (với đầy đủ các cơ sở pháp lý và chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành, của UBND thành phố cùng với các tỉnh), chúng tôi có thể thực hiện được.

Chuẩn bị thi công vượt sông. 

Nếu quyết tâm biến ý tưởng này thành hiện thực, tôi cho rằng, thành phố cần sớm điều chỉnh quy hoạch cấp nước. Bởi thành phố đang triển khai cấp nước theo phê duyệt Quy hoạch 729/QĐ-TTg ngày 19-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong gần 10 năm qua đã có nhiều thay đổi. 

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt, nghiêm trọng, khó lường. Hơn nữa, ảnh hưởng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác thủy hải sản, công nghiệp,… khó kiểm soát dẫn đến nguồn nước thô ở sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng xấu đi. Thực tế này làm cho tình hình lấy nước thô sản xuất cũng ảnh hưởng nhiều. Chính vì thế, việc tìm giải pháp cho nguồn nước thô sản xuất nước sạch là hết sức cần thiết cho hiện nay và ít nhất trong 5 - 10 năm tới.

Cũng xin được thông tin thêm thế này, từ cách đây 4 năm, Sawaco đã có các đề xuất giải pháp cho nguồn nước thô trên 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Sông Sài Gòn – phía Tây Ninh có hồ Dầu Tuyến – Phước Hòa, có trữ lượng nước khá lớn (khoảng 1,58 tỷ m3 nước). 

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi có đề xuất bổ sung quy hoạch lâu dài là nên xây đập ngăn mặn để ứng phó với tình trạng xâm ngập mặn ngày càng lên cao về hướng thượng nguồn. Với diễn biến nạn ô nhiễm môi trường với xu hướng ngày càng khó kiểm soát, chúng tôi đề xuất chọn ra vài trăm hécta đất trên sông này (có thể ở Củ Chi hoặc phía Trảng Bàng, Tây Ninh) làm hồ lắng và giữ vai trò trữ nước thô (phục vụ đa chức năng).

Với sông Đồng Nai, phía thượng nguồn có đập thủy điện Trị An với lượng nước lên trên 2,54 tỷ m3, vừa làm nhiệm vụ sản xuất điện vừa cung cấp nguồn nước thô. Qua khảo sát, chúng tôi đã có một số đề xuất, trong đó tận dụng khu hồ Đá (khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) làm nơi trữ nước thô.

Cùng với đề xuất vừa kể, tôi cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần tổ chức khảo sát, đánh giá để ban hành chủ trương chính sách, pháp luật và cơ chế của Nhà nước bảo vệ 2 sông Đồng Nai và Sài Gòn mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. 

Không chỉ có lượng nước ngọt vô cùng quý giá, 2 sông này hoàn toàn thuộc nội địa Việt Nam tại khu vực miền Đông Nam Bộ và rìa của miền Tây Nam Bộ, không phụ thuộc nguồn nước (an ninh nguồn nước) vào bất cứ quốc gia nào.

Ngoài ý tưởng chia sẻ nước ngọt cho bà con miền Tây từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nghĩ rằng rất cần thiết sớm nghiên cứu khoa học về nguồn ngọt cho ĐBSCL, ưu tiên quy hoạch đất cho việc dự trữ nguồn nước ngọt cho cả vùng này mang tính tổng thể, như ngày xưa cha ông ta đào kênh để khai phá vùng đất phì nhiêu này vậy.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. 


Thái Bình (Thực hiện)
.
.
.