Để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững:

Cần có chiến lược quản trị về rủi ro

Thứ Năm, 14/09/2017, 09:44
Nhận định về hoạt động của DN nhỏ và vừa, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP HCM cho rằng: “Đa số các DN thiếu kiến thức về quản trị, không xây dựng được kế hoạch dài hạn và ngắn hạn trong hoạt động kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và chưa thực sự chủ động tìm kiếm thị trường”.


“Được sự tài trợ của Chính phủ Canada, chúng tôi tiến hành khảo sát tìm hiểu rõ hơn những thách thức mà các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa phải đối mặt trong nền kinh tế đang phát triển APEC. Khảo sát 330 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cho thấy ba rào cản cố hữu mà họ đang phải đối mặt khi phát triển kinh doanh, đó là: khả năng tiếp cận tài chính hoặc vốn hạn chế; thủ tục và các quy định của Chính phủ nhiêu khê; khó thuê và giữ chân lao động”, ông Huỳnh Huy Hòa, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết.

Theo bà Mai Thị Tuyết Nhung, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: “Trong hoạt động kinh doanh dù DN không mong đợi nhưng rủi ro vẫn luôn hiện diện trong mọi quyết định đầu tư hay giao dịch kinh doanh của DN. Tùy theo mức độ, rủi ro có thể gây ra những thiệt hại về tài chính, nhưng cũng có thể đẩy DN vào tình trạng khánh kiệt, thậm chí phá sản. Vì vậy, một điều hết sức quan trọng mà mọi DN cần phải luôn quan tâm đó là nhận diện rủi ro”.

Sản phẩm của DN nhỏ và vừa chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Một khảo sát do bà Nhung thực hiện đối với 202 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất cho thấy, DN hoạt động thấp nhất 1 năm, nhiều nhất 40 năm, với số vốn hoạt động của DN từ 35 triệu đồng đến 100 tỷ đồng; DN có ít nhất là 3 lao động (DN siêu nhỏ) và nhiều nhất là 300 lao động. Dễ thấy rằng, số lượng lao động thường tỷ lệ thuận với số vốn. 

Kết quả cho thấy: Có 60-90 DN chỉ thỉnh thoảng mới thực hiện một số bước trong quy trình quản trị DN (chiếm 30-40% DN tham gia khảo sát), đây là con số rất cao. Trong điều kiện môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, nếu không kiểm soát được các yếu tố tác động xấu đến hoạt động của DN thì DN sẽ thường xuyên gánh chịu thiệt hại dẫn đến thua lỗ trong sản xuất kinh doanh. 

Khảo sát cũng chỉ ra các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng đối mặt với những rủi ro về lãi suất, nguồn vốn vay, giá cả đầu vào, tỷ giá, đối tác, lao động... Cụ thể, về việc vay vốn, có gần 20% DN khảo sát có vay vốn nhưng không bao giờ dự tính được chuyện lãi suất thay đổi. Do vậy nên các khoản vay đã ảnh hưởng xấu tới DN. Về giá cả đầu vào, việc thay đổi giá cả đầu vào là một rủi ro lớn đối với các DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực sản xuất. Thế nhưng, có đến 78,5% DN không dự đoán chính xác được sự thay đổi của giá cả đầu vào. 

Với các DN hoạt động xuất nhập khẩu, tỷ giá là yếu tố cực kỳ quan trọng. Sự biến động của tỷ giá gây ra không ít xáo trộn cho các DN xuất nhập khẩu. Nhưng trong 88 DN có xuất nhập khẩu được khảo sát, chỉ có 1 DN cho rằng không bao giờ nhận tác động xấu từ biến động giá cả, là con số hết sức khiêm tốn.

Nhận định về hoạt động của DN nhỏ và vừa, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Đa số các DN thiếu kiến thức về quản trị, không xây dựng được kế hoạch dài hạn và ngắn hạn trong hoạt động kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và chưa thực sự chủ động tìm kiếm thị trường”. 

Ông Mã Văn Tuệ, chuyên viên Văn phòng HĐND TP Hồ Chí Minh đánh giá: Thực trạng các DN nhỏ và vừa ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua chủ yếu hoạt động không theo hình thức TNHH, mà thực chất là công ty gia đình. Mô hình hoạt động này tuy mang lại cho DN một số thuận lợi nhất định (linh hoạt, năng động, ra quyết định nhanh chóng) nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro. 

Bởi vì, các quyết định đầu tư, kinh doanh ít dựa trên cơ sở phân tích đầy đủ về thị trường, thiếu các hoạt động phân tích, đánh giá, kiểm tra, giám sát..., các quyết định thường mang tính chủ quan, áp đặt của một vài cá nhân, dễ sai lầm dẫn đến hậu quả rất nặng, nhiều khi đưa DN đến chỗ phá sản. 

Ngoài ra, mô hình này, đa số có bộ máy quản lý rất  đơn giản, hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân, có khi chỉ đơn giản là “bắt chước” các DN kinh doanh ngành nghề tương tự nên rất yếu về kỹ năng thiết lập quan hệ giao dịch kinh doanh, thiếu hiểu biết về sự năng động của thị trường. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng  đầu tư theo “tâm lý bầy đàn” đầy rủi ro.

Vì vậy, để phát triển DN nhỏ và vừa, ông Tuệ cho rằng cần có chiến lược quản trị về rủi ro. Đây là một trong những mục tiêu đánh giá cũng như quản lý sự bất ổn mà DN đang gặp phải. Đó là, gỡ bỏ các rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Công bố thông tin ngành, nhằm giúp các DN có những thông tin cơ bản để đánh giá, nhận định sơ bộ về thực trạng của ngành mà DN có ý định gia nhập. 

Ngoài ra, phát triển DN nhỏ và vừa không thể thiếu vai trò của Hiệp hội DN trong việc định hướng, hỗ trợ cho DN một loạt lĩnh vực như: tư vấn, cung cấp thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp các dịch vụ đào tạo, dịch vụ hỗ trợ, tham gia đàm phán, bảo vệ quyền và lợi ích của DN...

Sản phẩm của DN nhỏ và vừa chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thúy Hà
.
.
.