Cần chấn chỉnh xuất khẩu xi măng của các doanh nghiệp

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:26
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dùng từ “ngoạn mục” cho sự phát triển của ngành Xi măng, khi từ một quốc gia nhập khẩu vào năm 2010, đến nay chúng ta đã lọt vào top 5 nước sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới.

Tại cuộc hội thảo xuất khẩu xi măng hướng đến phát triển bền vững vừa được tổ chức ngày 23/4 với sự tham gia của nhiều bên: doanh nghiệp (DN) xi măng, DN vận tải, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương và Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các bên cũng đặt ra câu hỏi cho hướng đi của ngành Xi măng. “Tự thân vận động” để thoát khỏi nguy cơ phá sản vì khủng hoảng thừa, sự phát triển của ngành Xi măng hiện nay gây bất ngờ cho cả cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dùng từ “ngoạn mục” cho sự phát triển của ngành này, khi từ một quốc gia nhập khẩu vào năm 2010, đến nay chúng ta đã lọt vào top 5 nước sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới. 

Kim ngạch gần 1 tỷ USD xuất khẩu đã cho thấy đây không chỉ là giải pháp tình thế giải quyết tồn kho mà ngành Xi măng đã tiếp cận được với thế giới, với chất lượng và giá cả được thế giới chấp nhận và đặt ra vấn đề: Đây cũng là 1 hướng phát triển, đặc biệt khi xuất khẩu của Việt Nam năm nay đang cho thấy những dấu hiệu rất khó khăn. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ phát triển sản xuất để xuất khẩu, bởi “ta có trên 12 tỷ tấn đá vôi, sản xuất hàng trăm năm nữa cũng không hết”. “Chúng ta chưa có tác động nhiều về chính sách, chưa có hỗ trợ gì, ngành đã có tăng trưởng như vậy. Đá khai thác bán trong nước trung bình chỉ 50.000 – 60.000 đồng/tấn. Thêm tí đất sét, tí than, tí điện, tí máy móc vào, ta bán được 50 – 60 USD/tấn xi măng, 40 USD/tấn clinker, giá trị lên mấy chục lần”. 

Tuy nhiên, vấn đề gây băn khoăn chính là xi măng cần nhiều tài nguyên, là ngành tiêu tốn điện lớn và tác động rất lớn đến môi trường (thải ra bụi, CO2). Nếu xác định phát triển, sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó có cả việc chấn chỉnh lại hoạt động của các DN xuất khẩu để không “dìm” giá lẫn nhau, tổ chức lại khâu vận chuyển logistic và tìm kiếm thị trường, khi tất cả hiện nay vẫn là các khách hàng tự tìm đến và đa phần mới chỉ có đơn hàng ngắn hạn.

V.Hân
.
.
.