Các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Thứ Năm, 14/12/2017, 09:23
Từ ngày 1-1-2018, Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:


a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản; 

b) Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 - Điều 31 của Luật này; 

c) Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 - Điều 35 của Luật này; 

d) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; 

đ) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật; 

e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; 

g) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 - Điều 37 của Luật này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; 

h) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (Điều 36). 

Cũng theo Điều 36 – Luật này, Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 – Điều này chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 6 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. 

Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 – Điều này chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Diễm Lệ
.
.
.