Các giải pháp hỗ trợ cần đúng liều và thực chất

Thứ Tư, 28/07/2021, 07:29
Trước diễn biến dịch tiếp tục lan rộng ra các địa phương, đặc biệt tại các khu công nghiệp, dự báo DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, các giải pháp hỗ trợ người dân, DN cần đúng liều, thực chất và kịp thời mới đem lại hiệu quả thiết thực. 


Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng vào các tỉnh, thành phố trọng điểm, khu công nghiệp, song với triển vọng tiêm vaccine và tiềm năng tăng trưởng của thị trường, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2021 dự báo, có 39,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 38,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 22,2% số DN dự báo khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, sự gia tăng về số lượng cũng như số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong nửa đầu năm cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch tiếp tục lan rộng ra các địa phương, đặc biệt tại các khu công nghiệp, dự báo DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, các giải pháp hỗ trợ người dân, DN cần đúng liều, thực chất và kịp thời mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này là phòng, chống và dập dịch; Đặc biệt tập trung cho những vùng, địa phương đang có dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh… và những địa phương có quy mô kinh tế và khu công nghiệp lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương…

Bà Hương đề xuất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy nhanh hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp; đồng thời, mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN như đang thực hiện, về dài hạn Chính phủ nên có các chính sách mới để DN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất.

Các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ DN đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu công việc trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do dịch COVID-19 tạo ra.

Hiện, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ hai. Bởi, điều quan trọng nhất đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ cho DN trong giai đoạn này là các hỗ trợ cần kịp thời và đúng thời điểm. Thời gian và thủ tục để DN nhận được hỗ trợ cần nhanh, gọn, không gây khó cho DN. Việc thực hiện các gói hỗ trợ cần có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn. Chính sách hỗ trợ cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất và những đối tượng có khả năng tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Về tăng trưởng kinh tế, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh. Tổng cục Thống kê cập nhật kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 vào kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 như sau: Kịch bản 1: Để đạt được kết quả tăng trưởng cả năm 2021 đạt 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%. Đây là mục tiêu rất khó khăn trong tình hình hiện nay, khi các tỉnh trọng điểm kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Kịch bản 2: Đối với mục tiêu trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%, 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%. Nếu khống chế được dịch bệnh sớm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng đạt được mục tiêu này. Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đạt được mục tiêu kép cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, cộng đồng DN và lực lượng tuyến đầu chống dịch quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao nhất.

Lưu Hiệp
.
.
.