Các doanh nghiệp bàn giải pháp vượt qua đại dịch

Thứ Ba, 14/04/2020, 08:10
Nhiều câu hỏi được đặt ra tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra sáng 13/4 do Báo Tri thức trẻ tổ chức. Nhiều ý kiến quý báu của các chuyên gia được giới doanh nghiệp (DN) đánh giá cao song thực tế, DN phải vận dụng để phù hợp với thực trạng của chính mình.


Tự lực và cùng đoàn kết

Cuối tháng 3, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lớn hơn số lượng thành lập mới. Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI gần đây cũng đưa ra những con số đáng lưu ý như 85% DN cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh; 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu…

Theo đó, 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp chưa từng có trong tiền lệ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Song, tự phía mình, các DN cũng không thể mãi trông chờ vào các giải pháp từ bên ngoài, mà phải xác định tự lực cánh sinh.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đại biểu Quốc hội phân tích: “Nếu hiểu từ “tự lực” theo nghĩa Nhà nước không có tiền để hỗ trợ nên DN phải tự bươn chải là không đúng.

70% doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số.

Thực tế hiện nay, mọi tầng lớp, DN đều được Nhà nước hỗ trợ, không bằng cách này thì bằng cách khác. Do đó, phải hiểu “tự lực” có nghĩa là DN phải chủ động đưa ra các giải pháp “cứu lấy mình” dựa trên những nền tảng pháp luật và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã, đang và sắp có hiệu lực. Những nỗ lực của Nhà nước sẽ không đạt được hiệu quả tối đa nếu sự nỗ lực đó chỉ đến từ một phía. Do vậy, để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh thì yếu tố quan trọng đối với DN là “sự thích ứng!”.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN Trẻ cũng đưa ra lời khuyên cho DN: "Dưới góc độ chủ quan của tôi, trong cái họa luôn có cái phúc, trong cái nguy sẽ có cái cơ. Thời điểm này là thời điểm khó với DN, nhưng cũng đừng nên nản lòng.

Chúng ta nên nghĩ tích cực, qua dịch ta học được rất nhiều bài học, thấy được, đánh giá được tất cả các mối quan hệ xung quanh. DN đang phát triển thì mọi thứ thế nào, DN đang khó khăn thì bạn bè, tư hữu đối tác, cán bộ nhân viên đối xử ra sao để nghiệm về cuộc đời mình”.

Vị doanh nhân này cũng chia sẻ về tinh thần dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ đoàn kết của các DN trong Hội như khuyến khích sử dụng các sản phẩm của nhau, thành lập các câu lạc bộ xúc tiến thương mại, DN công nghệ cao, khuyến khích các thành viên chia sẻ thông tin về các thị trường. “Khi tinh thần đó được lan tỏa tới DN, ta đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua đại dịch này, ta có thể sẽ bung lại như lò xo, rất mạnh mẽ”, ông Đặng Hồng Anh lạc quan.

Có cùng quan điểm, ông Thân cho rằng giải pháp tương trợ lẫn nhau giữa các DNNVV, và với DN lớn là hết sức cấp thiết và khả thi. “Người này có thể trở thành nhà cung ứng cho người kia và ngược lại người kia sẽ là thị trường tiêu thụ của người này. Bấy lâu nay chúng ta quá tập trung vào sự liên kết chuỗi giữa DN trong nước và DN nước ngoài, mà quên đi sự liên kết đặc biệt quan trọng giữa các DN trong nước với nhau”, ông Thân bổ sung.

Doanh nghiệp có nên “ngủ đông”?

Đây là vấn đề gây khá nhiều ý kiến trái chiều về ứng xử của DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Có ý kiến cho rằng lúc khó khăn, càng sản xuất kinh doanh càng thua lỗ, thì DN nên tạm thời “ngủ đông” chờ hết khó khăn thì sẽ “tỉnh dậy” phát triển trở lại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech Group thì với DN nhỏ và siêu nhỏ, ngủ đông sẽ rất tai hại.

“Với DN vừa và lớn, có định phí cao như mặt bằng, nhân công trong khi tổng cầu thấp kỷ lục thì phải ngủ đông để tiết kiệm tối đa dòng tiền cho DN. Tuy nhiên, với đặc thù của DN nhỏ và siêu nhỏ, tôi có quan điểm khác với nhóm đối tượng này. Dừng kinh doanh trong DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn rất linh động và năng động cùng định phí thấp, thì hậu quả lại rất cao. DNVVN, nếu tạm dừng kinh doanh, thiếu cọ sát và thực chiến trên thị trường thì biết đâu họ lại lỡ cơ hội nắm bắt thời cơ mới.

Một số DN may mặc, trong cơn khốn đốn lại đi sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ, xuất khẩu sang các thị trường đang cần. Nếu không vận hành, họ không thể phát hiện cơ hội kinh doanh từ trên trời rơi xuống đó. Các DN nhỏ và siêu nhỏ, khi đi ngủ, sẽ nhường cơ hội kinh doanh, thị trường và khách hàng cho đối thủ năng động hơn.

Ngoài ra, chưa ai biết các DN sẽ phải ngủ đông đến bao giờ, ngủ ở mức độ nào vì chưa ai biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt. Chưa kể, khi ngủ đông thì sẽ cần thêm một thời gian nữa để quay lại guồng cũ.

Cuối cùng, bản thân các DN hiện nay cũng là người tiêu dùng. Nếu DN không hoạt động, nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền. Bởi vậy, theo tôi, DN nhỏ và siêu nhỏ không nên tạm ngừng hoàn toàn mà nên duy trì hoạt động kinh doanh ở mức phù hợp, an toàn theo quy định nhà nước, chú trọng chuyển đổi số để không tụ tập phòng chống dịch bệnh. Trong cái khó phải ló khôn, DN nhỏ và siêu nhỏ phải tìm cách bán hàng nếu không khả năng chết cao”, ông Bình nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng tư duy ngủ đông là hay nhưng chỉ nằm trong các DN đã tích lũy được rồi, bây giờ là lúc giảm chi phí ít nhất có thể thì tốt nhất là không làm gì, vì không làm thì vẫn lỗ. Nhiều DN không thể không đóng cửa. Tuy nhiên, DN kiếm ăn từng bữa không ít và không thể ngủ được, thì nhóm này phải chuyển đổi hình thái kinh doanh.

“Trong khủng hoảng COVID-19, rất nhiều DN đã tìm ra cách đối phó với khủng hoảng bằng cách chuyển dịch vụ của mình lên online và sử dụng các shipper để giao hàng với các hàng hoá vật chất và rất nhiều dịch vụ đã được online. Đây là 1 cú huých quá ngoạn mục và đã có đến 70% DN là Hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam đang chuyển mình theo hướng này.

Đối với DNNVV trong thời kỳ này cần phải có tư duy mới hiện đại hơn và không có gì đúng hơn là chuyển đổi số. Tất cả các DN nên dành thời gian, vật chất cụ thể để đầu tư cho việc này”, ông Thân nói.

Hà An
.
.
.