Cắt giảm điều kiện kinh doanh:

Các bộ, ngành vẫn chưa “đều tay”

Thứ Hai, 06/08/2018, 07:19
Đây là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, do VCCI tổ chức sáng 31-7 tại Hà Nội.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết mỗi các cơ quan Nhà nước ban hành khoảng trên 1.000 các văn bản pháp luật, trong đó, trên 50% trong số đó là pháp luật kinh doanh, điều này cho thấy sự quan trọng của pháp luật kinh doanh trong hệ thống pháp luật.

“Thống kê của chúng tôi cho thấy, mỗi năm có khoảng 10-20 bộ Luật mới ra đời, khoảng 200 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng, số còn lại là của các bộ ngành. Chỉ trong khoảng 6 tháng, chính quyền trung ương có quyền đưa ra hàng chục ngàn quy định. Đây là một số lượng lớn và nó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói.

Bởi vậy, chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đưa ra được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mới, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Ngay từ đầu Chính phủ mạnh mẽ với quan điểm kinh tế thị trường, bằng Nghị quyết có tính chất cách mạng là Nghị quyết 19 đặt mục tiêu tham vọng là 1 trong 3 nước ASEAN có môi trường thuận lợi trong kinh doanh.

Chính phủ chủ trương cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu là hoàn thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết này lại còn hạn chế, có sự “gia tốc” trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ ngành nhưng chưa đạt yêu cầu.

Cụ thể, nhìn lại quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành trong thời gian vừa qua, dù nhiều văn bản có tính “cởi trói” được ban hành, song sự vào cuộc của các bộ ngành vẫn “chưa đều tay”, có bộ tích cực, có bộ trì trệ.

Trong đó, Bộ Công thương là bộ đi đầu, sau đó là Bộ Y tế với Nghị định 15 về an toàn thực phẩm với hơn 90% thủ tục hành chính được bãi bỏ. Trên thực tế việc thực hiện chính sách sẽ có độ trễ nhất định, nhưng lý do gây sự chậm trễ được cho là nằm ở sự chủ động của các bộ ngành, mà trong đó trở ngại từ các vụ cục, chuyên viên. Ví dụ có những quy định nói mãi không sửa như trần khuyến mãi khiến cho Bộ Công thương là bộ đi đầu trong một số lĩnh vực nhưng dường như có những lĩnh vực lại đang ở điểm cuối.

“Tại một số phương án cắt giảm thì một số chỉ điểu chỉnh 1 điểm nhỏ chứ không bãi bỏ hoàn toàn; tại một số phương án, các điều kiện kinh doanh chỉ được chỉ sửa đổi câu chữ mà thôi”, Chủ tịch VCCI nhận xét và bày tỏ mong muốn quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất, trước hết là mục tiêu giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nêu rõ, những hành động để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 là rất phong phú. Đó có thể là những hành động “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp (là những điều kiện kinh doanh), đối với các sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp làm ra (là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa), hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp (về quyền tự chủ, tự do kinh doanh)...

Đó cũng có thể là những hành động hướng tới việc giảm bớt gánh nặng quản lý hành chính Nhà nước dưới hình thức cải cách thủ tục hành chính hay cải cách quy trình quản lý quy hoạch ngành, vùng, địa bàn…

Ví dụ cụ thể, khi nói về những cải cách, không thể không nhắc tới những nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công thương, đặc biệt là các Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí và Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; hay như Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm- đây thực sự là một "cuộc cách mạng" và mang đến những lợi ích to lớn cho hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp thực phẩm vốn đang rất vất vả với các thủ tục, quy trình về an toàn thực phẩm; Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá...

Để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, theo VCCI, nhắc đến điều kiện kinh doanh thì cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp, vì vậy việc tham vấn ý kiến cộng đồng sẽ góp phần tăng tính hợp ý, khả thi của các điều kiện kinh doanh ban hành.

Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh mà các bộ thực hiện, về mặt pháp luật không bắt buộc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, nhưng việc lấy ý kiến rộng rãi các phương án sẽ thể hiện thái độ nghiêm túc, tinh thần cầu thị của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, phải tăng cường cơ chế kiểm soát, thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra...

Lệ Thúy
.
.
.