Bảo hiểm, phí công đoàn không phải là thuế “ăn mòn” doanh nghiệp

Thứ Hai, 29/02/2016, 09:03
Đây là phản hồi của Bộ Tài chính trước dư luận cho rằng thuế phí quá cao, lên tới 40% đã khiến doanh nghiệp (DN) kiệt sức.


Cụ thể, trong báo cáo Doing Bussiness 2016 vừa được WB công bố, DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác... Tỷ trọng thuế này cao hơn rất nhiều nước trong khu vực, ví dụ Singapore là 18,4%, Thái Lan 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Một trong những nguyên nhân khiến tổng số thuế phải nộp trên lợi nhuận tại Việt Nam lên đến gần 40% là do mức nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội quá cao, lên tới 18%.

Phản hồi về thông tin này, Bộ Tài chính cho rằng nói “làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng” dẫn đến cách hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của DN tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng, cần phải được phân tích, tách bạch để có cách hiểu chính xác. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, để so sánh tương quan giữa các quốc gia, thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ % giữa số huy động từ thuế, phí tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dù Việt Nam còn có những đặc thù khác so với các nước, tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng thực tế thì việc so sánh về tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tính trên GDP ở Việt Nam với các nước cần phải dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất.

Theo số liệu thống kê, tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Trong khi tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...

Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để thúc đẩy sản xuất.

Nếu so sánh đặc thù, thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP, còn nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Đáng chú ý, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Theo đó, thuế TNDN phổ thông giảm từ 32% năm 1999, xuống 20% từ ngày 1-1-2016. Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25%, thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.

Về thuế TNCN, khởi điểm tính thuế cũng từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Về thuế GTGT, hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10%. Theo thống kê về thuế suất thuế GTGT của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%. Về thuế xuất - nhập khẩu, tỷ trọng trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm, từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005-2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011-2014.

Còn các khoản thu đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn: thực hiện miễn, giảm nhiều khoản thu như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền từ năm 2003 đến hết năm 2020, miễn thu thuỷ lợi phí... Về thuế bảo vệ môi trường, mặc dù từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít đối với xăng, nhưng Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu... Riêng về các loại phí, từ ngày 1-1-2017, sẽ có 26 khoản phí, 68 khoản lệ phí được bãi bỏ; 45 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá.

“Hệ thống chính sách thuế trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho NSNN, bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng... Trong giai đoạn khó khăn từ năm 2008 đến năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định và thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm và giãn thời gian nộp thuế để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư”, Bộ Tài chính khẳng định.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết thêm các khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thì không thuộc về khoản huy động tài chính của Nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động, vì vậy nếu gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng thuế “ăn” lợi nhuận DN là không chính xác.

Lệ Thúy
.
.
.