Thủ tục hành chính - hết thời 'hành' doanh nghiệp

Bài cuối: Để cải cách không chỉ nằm trên giấy

Thứ Sáu, 17/04/2015, 06:51
Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ khó khăn cho DN là hướng đi đúng đắn mà Chính phủ đã đề ra và đang quyết tâm thực hiện.Đây là chủ trương lớn của cả đất nước, vì đi cùng với nó không phải chỉ đơn giản là cắt xén, bãi bỏ thời gian và thủ tục, mà nó sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi về luật, đặc biệt là sự thay đổi về chất trong nhận thức của đội ngũ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Mặc dù cộng đồng DN đã ghi nhận những thành công bước đầu của quá trình cải cách, tuy nhiên, làm sao để cải cách đi vào thực chất và sự thông thoáng, thuận lợi có thể về đến tận ngõ, tận phường, đến từng DN vẫn còn là thách thức phía trước.

Dù đã có những bước tiến bộ đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh, song Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tăng niềm tin của DN, nhà đầu tư, cũng như xóa bỏ những quan ngại về rủi ro mà họ có thể gặp phải khi tìm đến đầu tư kinh doanh.

Trước hết là, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cũng như quá trình thực thi cũng chưa suôn sẻ, thậm chí có thể nảy sinh tiêu cực hoặc thiếu minh bạch-là nguy cơ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện có khoảng 50% DN Nhật Bản còn tỏ ra lo lắng về sự phức tạp của cơ chế, thủ tục thuế hoặc hải quan, bên cạnh tình trạng nội dung văn bản thiếu rõ ràng, nhiều thủ tục phải đăng ký, sự chậm trễ trong hướng dẫn…

Cuối năm 2015, thời gian nộp thuế sẽ chỉ còn 171 giờ/năm.

Một thực trạng kéo dài và chưa được cải thiện bao nhiêu là việc mỗi DN phải đáp ứng, cung cấp rất nhiều tài liệu theo yêu cầu từ phía các cơ quan quản lý, liên quan đến nhiều mục đích cụ thể như: an toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và bảo vệ môi trường, các loại hóa đơn chứng từ…

Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và không thể công nhận kết quả kiểm tra của nhau. Từ đó, DN phải mất nhiều thời gian để làm các TTHC, chuẩn bị nội dung trình bày với các đoàn kiểm tra. 

Theo kết quả khảo sát của VCCI về các TTHC thuế và hải quan trong năm 2014, có 4 vấn đề được DN “kêu” nhiều nhất là: Thủ tục hoàn thuế, ưu đãi và miễn trừ thuế; quy định mới trong văn bản pháp luật và tính đồng bộ với các văn bản pháp quy mang tính chuyên ngành khác; tiếp nhận và trả lời vướng mắc cho DN từ phía các đơn vị có liên quan của ngành thuế; hạch toán các khoản chi không rõ nhưng lại bị phạt về thuế.

Tương tự, trong lĩnh vực Hải quan, mối quan hệ giữa hải quan và DN cũng đang tồn tại một số vấn đề bất cập. Đó là sự thiếu đồng bộ trong thông tin của ngành về quá trình hoàn thiện lệ phí tờ khai, nhiều DN đã thực hiện đóng lệ phí đầy đủ, nhưng thông tin không hiện lên trên hệ thống nên DN vẫn bị coi là nợ thuế, dẫn đến các hệ lụy tiếp theo là không được hoàn thuế.

Giữa các cơ quan hải quan địa phương, kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc chuyển tiền, nhận tiền và cung cấp thông tin DN đã nộp thuế, gây ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng không kịp thời đáp ứng tiến độ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, vấn đề áp dụng thông quan tự động được các DN khẳng định là chủ trương đúng, đảm bảo nhanh gọn và tiết kiệm cho DN, song hiện có quá nhiều vấn đề phát sinh từ chính hệ thống mới này cần được cơ quan hải quan tiếp tục nghiên cứu nhằm đảm bảo tiếp cận với hải quan hiện đại và yêu cầu cải cách, giảm chi phí hồ sơ cũng như thời gian cho DN.

Đi vào cụ thể hơn, trong lĩnh vực triển khai cơ chế một cửa quốc gia của hải quan, số lượng hồ sơ thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn đầu kết nối chính thức còn hạn chế, do một số bộ, ngành vẫn đang tiếp tục triển khai hệ thống.

Là người có nhiều năm gắn bó với ngành thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Với quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Tài chính cũng như những lợi ích “kỳ diệu” mà công nghệ thông tin mang lại, ngành thuế đã có những cải cách đột phá so với trước, tạo nhiều thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục được tháo gỡ để việc cải cách có thể đi vào thực chất, thống nhất từ Trung ương về tới địa phương.

Theo chia sẻ của bà Cúc, thực tế từ chuyến khảo sát 16 DN tại 8 địa phương gần đây cho thấy, gần như toàn bộ chi cục thuế, hải quan địa phương đều tự ý bổ sung thêm một số tờ khai, thủ tục khác ngoài quy định mà Bộ Tài chính hướng dẫn. Ví dụ như thủ tục hoàn thuế, chỉ cần mẫu 05, nhưng các cơ quan thuế lại thêm vào đó bảng kê số liệu hoàn thuế cả quý, cả năm; đã thực hiện hải quan điện tử nhưng vẫn có những bản kê tay. Ngay các công văn về thuế giữa các chi cục trong cùng một Cục Thuế cũng đã rất khác nhau. “Điều này cho thấy, các chính sách, thủ tục đã thông ở cấp Trung ương, cấp Cục nhưng vẫn còn “tắc” ở cấp cơ sở, xã phường, từng DN vẫn còn là vấn đề nhức nhối khiến cộng đồng DN chưa hoàn toàn yên tâm trong quá trình thực hiện” - bà Cúc cho hay.

Chia sẻ cụ thể hơn về những vướng mắc, thiếu thống nhất này, bà Phạm Thị Loan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á đưa ra 4 vấn đề được cho là còn bất cập và kèm theo các kiến nghị cụ thể.

Theo bà Loan, thứ nhất, vẫn còn hiện tượng, nhiều văn bản pháp quy ban hành trong lĩnh vực thuế, hải quan chưa đúng luật, khi mà có nhiều văn bản gửi cho DN hướng dẫn theo kiểu nội bộ, hướng dẫn không thống nhất, tạo nhiều cách hiểu khác nhau, DN thực hiện mỗi nơi một kiểu, gây ra tình trạng bất bình đẳng.

Thứ 2, cần xem lại biểu thuế theo hướng điều chỉnh và thay đổi triệt để, bởi biểu thuế hiện nay giống như “ma trận”, khi mà cùng một mặt hàng, nhưng thuế nguyên liệu 15-20%, trong khi thuế thành phẩm chỉ 5-10%, tạo kẽ hở cho gian lận thương mại.

Thứ 3, không hình sự hóa hoạt động xuất nhập khẩu của DN, nhất là hoạt động sau thông quan khiến DN sợ hãi.

Và cuối cùng là cần xem xét lại quy trình và chất lượng giải quyết khiếu nại cho DN, bởi trên thực tế có những vướng mắc kéo dài 1-2 năm, DN nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng không được cơ quan Hải quan giải quyết thấu đáo. 

Đề xuất một số giải pháp để việc cải cách các thủ tục thuế, hải quan có thể đi vào thực chất hơn nữa, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng: Ngành Thuế cần tiếp tục rà soát các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế GTGT, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; tối giản các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp quy liên quan đến các hoạt động này. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại DN theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và thanh tra kiểm tra.

Từ phía Ngân hàng Thế giới, bà Joanna Nasr - đồng tác giả Báo cáo môi trường kinh doanh của WB khuyến nghị: Việt Nam có thể xem xét việc lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế. Hình thức này có thể thực hiện hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử, vì Việt Nam hiện có nhiều Thông tư, Nghị định, mà người nộp thuế chưa chắc có thể hiểu rõ, và cần sự hướng dẫn từ trung tâm này. Mặt khác, việc đẩy nhanh kê khai và nộp thuế điện tử sẽ góp phần giảm thời gian kê khai, nộp thuế cho DN.

Lệ Thúy - Huyền Thanh - Lưu Hiệp
.
.
.