Bài cuối: Cách nào gỡ khó cho doanh nghiệp?

Thứ Ba, 30/08/2016, 08:27
Được xác định là Năm Quốc gia khởi nghiệp, năm 2016 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển của 5 năm tiếp theo. Doanh nghiệp (DN) chính là lực lượng quyết định thành bại của nền kinh tế đất nước trong hội nhập. Và nâng cao nội lực của DN là nhiệm vụ trọng tâm.

“Vạn sự khởi đầu nan”, dù thực tế Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã chính thức khởi động cho cuộc chạy marathon đường dài, nhưng vẫn sẽ còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Là người đứng đầu cơ quan có tiếng nói đại diện cho DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng trên cơ sở nhận diện đúng tình hình DN như trên, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. 

“Thay mặt cộng đồng DN, tôi đề nghị, Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN”, ông Lộc khẳng định.

Theo ông Lộc, muốn đạt được mục tiêu này, phải tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho DN, đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và DN, để không lặp lại vụ việc như trường hợp quán cà phê “Xin chào” mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp. 

Cần khuyến khích hộ kinh doanh có đăng ký chuyển sang mô hình DN.

Tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.

Hai định hướng chính sách lớn của chương trình là bảo toàn lực lượng DN có tiềm năng cạnh tranh hiện có, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều DN mới, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được 1,5 - 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Trong đó, một số việc cần làm ngay. Một là, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt, để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN. Hai là, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Về nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro và chi phí, hiện nay các DN Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. 

Để phục hồi và phát triển DN, cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò là mũi đột phá dẫn đường, để vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN. Trước mắt, phải xếp vào nhóm 4 nước tiên tiến đứng đầu ASEAN như Nghị quyết 19 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã quyết định.

Thứ hai là chi phí vốn. Các DN trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, cũng như nợ công của Chính phủ. Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. 

Nếu lãi suất hợp lý, cũng sẽ thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng vào khu vực DNNVV và khu vực sản xuất chứ không tập trung quá nhiều vào các DN lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói hỗ trợ từ tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường 2-3% cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu - chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động. Hệ thống hiện nay đang không hiệu quả, khi chi phí bảo hiểm xã hội mà DN Việt Nam phải chịu cao gấp đôi, gấp ba nhiều nước ASEAN trong khi đó người lao động lại không được hưởng tương xứng. Trước mắt, đề nghị giãn lộ trình tính đầy đủ bảo hiểm xã hội trên thu nhập thực tế của người lao động để khoan sức cho DN.

Nhóm chi phí thứ tư cần được xem xét cải cách theo hướng cắt giảm là thuế và phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh. 

Thời gian tới Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính để cắt giảm chi tiêu, tuyệt đối tránh tình trạng tận thu để bảo đảm tăng chi. Thay vào đó, một số chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế hợp lý cho DN nên được tiếp tục để phục hồi và phát triển DN, nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

Cũng quan trọng không kém là phải ngăn chặn việc đặt ra các loại phí sai quy định tại nhiều địa phương hiện nay. Các khoản phí cầu đường, giao thông v.v... cũng cần được quản lý chặt chẽ.

Đối với nhóm giải pháp thứ hai: Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DN, ngoài việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới, xây dựng và thực hiện Nghị quyết 19+ như đã đề cập ở trên, để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển DN, đặc biệt là khu vực DNNVV, Chính phủ cần ban hành các Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. 

Ví dụ, bằng biện pháp miễn thuế thu nhập DN, chính sách ưu đãi tín dụng… trong thời gian vài ba năm cho các hộ kinh doanh đăng ký chuyển thành DN; xây dựng mô hình hợp tác công tư để hình thành hệ thống các Trung tâm hỗ trợ DN có sự đầu tư ban đầu của Nhà nước và quản lý vận hành của các hiệp hội, đầu tư của các DN lớn để hình thành chuỗi liên kết giữa các DN, DN lớn hỗ trợ DN nhỏ, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn miễn phí cho DN,...

Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần  2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ DN trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức DN thì mục tiêu có được 1,5 - 2 triệu DN trước năm 2020 là trong tầm tay.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm bình đẳng cho các DN, một nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính, cải cách bộ máy của Chính phủ là xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ ngành và chính quyền địa phương đối với các DNNN. 

Việc xóa bỏ chế độ chủ quản sẽ bảo đảm tập trung được nguồn lực của các bộ ngành vào làm thể chế, chính sách và kiến tạo phát triển, đồng thời giải phóng được DNNN ra khỏi sự can thiệp sự vụ của các bộ ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để DNNN năng động hơn và sáng tạo hơn. Mặt khác, tạo điều kiện mở đường cho một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các DNNN với nhau và với khu vực tư nhân. 

Theo hướng này, trong thời gian tới, cũng cần tiếp tục rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như DNNN theo hướng thị trường hóa các dịch vụ công, giảm mạnh gánh nặng ngân sách Nhà nước nuôi các đơn vị sự nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân vào việc cung cấp các dịch công, xóa bỏ độc quyền và nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân…

Theo Báo cáo, tổng số giờ thực hiện của thuế là 117 giờ (đã giảm được 420 giờ/năm); thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thực hiện kê khai thuế qua mạng đối với hơn 99% số doanh nghiệp đang hoạt động; triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 9/14 Bộ...
Lệ Thúy
.
.
.