Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong thời hội nhập quốc tế

Bài 1: Gỡ “nút thắt” để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Thứ Năm, 22/03/2018, 08:07
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho kinh tế tư nhân (KTTN)
phát triển bình đẳng cùng các thành phần kinh tế của đất nước, vậy các chủ thể của KTTN... cần nắm bắt và thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Sự phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) là một lẽ tất yếu của nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những chính sách đúng đắn để thúc đẩy KTTN phát triển đúng hướng, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. 

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho KTTN phát triển bình đẳng cùng các thành phần kinh tế của đất nước, vậy các chủ thể của KTTN... cần nắm bắt và thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Đổi mới để phát triển

Hội Nghị Trung ương 5 (TW5) - Khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10 - NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. 

Vấn đề này được đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới, xác định được vai trò của KTTN có những bước tiến quan trọng trong phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi xác định được vai trò, vị trí của KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì việc cần thiết phải thực hiện là xóa bỏ mọi “rào cản”, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN một cách lành mạnh và đúng định hướng. 

Từ đó phát huy mặt tích cực có lợi cho kinh tế đất nước, đồng thời ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. 

Để làm tốt điều đó, phải có chính sách thúc đẩy KTTN phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. 

Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp lớn, các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, kinh tế hợp tác vốn nước ngoài nhằm có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, tạo chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu đáp ứng khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland chia sẻ: các doanh nghiệp nói chung và Novaland nói riêng, chúng tôi như được truyền thêm “lửa”, rất cảm kích và trân trọng sự quan tâm của Đảng và Chính Phủ trong việc hỗ trợ và nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nói riêng và KTTN nói chung.

Từ quan điểm đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Luật Doanh nghiệp 2015 và Luật Đầu tư sửa đổi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. 

Điều này đã được Chính phủ, các Bộ, ngành tiến hành một cách khẩn trương, cụ thể. Hàng ngàn thủ tục hành chính đã được các ngành, các cấp xóa bỏ theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ đã tiên phong trong việc đối thoại chính sách với một số tập đoàn KTTN về chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế”. 

Cuộc tọa đàm với quyết tâm cao đưa chính sách đổi mới phát triển KTTN được cụ thể hóa từ Nghị quyết của Đảng đến hành động của Chính phủ. Bởi trên thực tế hoạt động kinh tế ở Việt Nam hiện nay, trong gần nửa triệu doanh nghiệp nói chung, số lượng DNTN chiếm tới trên 96%. 

Điều này cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ “rào cản” để thúc đẩy DNTN phát triển bình đẳng là quy luật tất yếu, sẽ đem lại hiệu quả cho sự phát triển, tạo sức cạnh tranh cao không chỉ thị trường trong nước mà cả trên thế giới. 

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp; Nghị quyết 98/NQ-CP bãi bỏ các “rào cản”, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳngphát triển KTTN và nhiều chương trình hành động quyết liệt khác nhằm thúc đẩy KTTN phát triển bền vững...

Người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Những vấn đề còn bất cập

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cụ thể hóa, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống còn có những vấn đề cần tháo gỡ trong cải cách hành chính đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng có những khó khăn trong chi phí “không chính thức” để giải quyết các thủ tục hành chính còn tồn tại nhưng rất khó xử lý, khó nói ra. 

Trong nhiều trường hợp, diễn ra ở nhiều nơi, doanh nghiệp muốn nhanh, đảm bảo kịp thời theo yêu cầu khách hàng, đối tác thì ngoài quy định họ còn bị “hành” thủ tục hoặc buộc phải chi các khoản không chính thức, rất lớn và mất thời gian. 

Vì vậy theo kiến nghị của doanh nghiệp tất cả mọi hoạt động quản lý nhà nước khi giải quyết công việc với doanh nghiệp, người dân phải có thời gian quy định cụ thể, công khai minh bạch mọi thủ tục ở từng lĩnh vực để mọi người giám sát thực hiện. 

Mặt khác, công tác cán bộ, đạo đức công vụ của người thực thi nhiệm vụ cần đổi mới, nâng cao kịp thời cùng với cải cách hành chính. Như TP HCM, một trong những chương trình trọng tâm của việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố là công tác đổi mới sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức... Bởi khâu then chốt của mọi vấn đề là con người.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, thiếu vốn là vấn đề bức xúc khi nói tới KTTN. Đây là quy luật phổ biến ở đất nước đang phát triển và chuyển đổi như nước ta hiện nay. 

Theo đó, do qui mô vốn nhỏ bởi hình thức tổ chức doanh nghiệp và thị trường tài chính kém phát triển nên KTTN phụ thuộc nhiều vào việc vay ngân hàng vốn kinh doanh. 

Ông Lâm Tấn Lợi- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, vốn vay ngân hàng bình thường khá cao, còn vốn hỗ trợ, ưu đãi thì DNTN khó “với tới” vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề thủ tục, tài sản đảm bảo... 

Vì thế, chính sách ưu đãi về tín dụng, ngân hàng đối với KTTN cũng cần cụ thể hóa, công khai minh bạch rõ ràng để có thể tiếp cận một cách thuận tiện, bình đẳng như mọi thành phần, tránh chuyện “xin- cho”.

Mặt khác, pháp luật qui định đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất thực hiện theo phân cấp hành chính địa phương gây vướng mắc cho ngân hàng và doanh nghiệp khi dùng hai quyền sử dụng đất ở hai địa phương khác nhau để vay vốn ở một ngân hàng. 

Còn qui định thời hạn trả hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo cũng kéo dài làm chậm trễ việc cho vay của ngân hàng và mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Quan trọng nữa là lãi suất cho vay phải giảm phù hợp để cho hoạt động của ngân hàng đáp ứng với kinh tế thị trường không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với thị trường thế giới.

Có một thực tế mà các doanh nghiệp kiến nghị trong lĩnh vực quản lý nhà nước cần tháo gỡ là việc phân định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp. 

Có quá nhiều cơ quan có quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhưng trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra sai phạm lại không rõ thuộc về đơn vị, cá nhân nào. Ví dụ kiểm tra về vấn đề đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất nhập hàng hóa... 

Vì thế nhà nước cần có một mô hình quản lý tổng hợp và chịu trách nhiệm cụ thể về việc quản lý, kiểm tra, giám sát của mình đối với doanh nghiệp, tránh xảy ra kiểm tra chồng chéo, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian phục vụ nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra...

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu ban đầu đề ra 6,7%. Kinh tế tư nhân (bao gồm cả kinh tế cá thể) đóng góp khoảng gần 40% GDP so với 28,7% của khu vực kinh tế Nhà nước, 18,07% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và 4,04% của khu vực kinh tế tập thể.
Đặng Ngọc Như
.
.
.