60 doanh nghiệp may vi phạm về số giờ lao động

Thứ Bảy, 17/10/2015, 19:06
Qua lần đầu tiên thực hiện, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 vi phạm, trung bình 12 vi phạm/doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý cho biết, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai thí điểm Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực may mặc.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 152 doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian 4 tháng, từ tháng 5-9/2015. Qua lần đầu tiên thực hiện, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 vi phạm, trung bình 12 vi phạm/doanh nghiệp.

Nội dung vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định. Theo thống kê, cả 12 tỉnh, thành phố thực hiện chiến dịch đều có doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá số giờ theo quy định với 60 doanh nghiệp mắc vi phạm này. Về tiền lương, tiền công, vi phạm của các doanh nghiệp là không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đầy đủ cho người lao động: 17 doanh nghiệp/5 tỉnh, thành phố; trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định: 11 doanh nghiệp/ 3 tỉnh, thành phố…

Được biết, ngành may mặc được chọn để thực hiện thí điểm bởi may mặc là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua, chiếm 13,6% doanh thu xuất khẩu và 10,5% tổng GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng dệt may trong giai đoạn 2008-2013 đạt 14,5%/năm.

Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may,thu hút lực lượng lao động rất lớn với trên 2,5 triệu lao động; chiếm khoảng 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp. Trong khi đó, lao động của ngành dệt may hầu hết là lao động phổ thông, có trình độ không cao, tinh thần, ý thức chấp hành kỷ luật lao động nhiều nơi chưa tốt.

Hải Châu
.
.
.