3 yếu tố duy trì tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt

Thứ Năm, 13/09/2018, 21:10

Để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực trên ba yếu tố: con người, công nghệ và quản trị.


Chiều 13-9, khoảng 1.300 đại biểu đến từ Việt Nam, ASEAN và các đối tác thương mại hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo”. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngay sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) kết thúc.

Tại phiên đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende đã phát biểu và đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu.

Sự kiện mang lại cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ đến từ khu vực ASEAN và quốc tế, có được cái nhìn sâu sắc về nền kinh tế Việt Nam, cũng như khám phá các cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị

Trong phiên thứ hai với chủ đề "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh", các đại biểu đã được các diễn giả thông tin về những nghiên cứu mới nhất cho thấy Việt Nam liên tục tăng trưởng vượt trội so với khu vực về GDP, vốn đầu tư nước ngoài, lực lượng lao động và bộ phận dân số có mức thu nhập trung bình.

Đại diện cho PwC Việt Nam - đối tác tri thức của hội nghị, Tổng Giám đốc Đinh Thị Quỳnh Vân còn chỉ ra rằng lợi thế cạnh tranh dựa trên chi phí lao động thấp sẽ dần mất đi giá trị trong những năm tới, khi các công nghệ mới và những biến động về thương mại toàn cầu sẽ đe dọa tới lợi thế này.

Vì thế, để phát triển bền vững, ba yếu tố chính các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đầu tư là công nghệ, nhân tài và quản trị. Bà Quỳnh Vân nhấn mạnh: “Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty nên cân nhắc nghiêm túc việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có sức đề kháng tốt hơn trước các rủi ro.

Muốn vậy, họ sẽ cần trang bị cho mình các công nghệ cần thiết, những con người có đầy đủ kỹ năng để vận hành những công nghệ đó, cũng như một cấu trúc quản trị phù hợp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải đi đầu trong quá trình này, nhưng Chính phủ cần đóng vai trò tạo điều kiện cho sự thay đổi đó, đặc biệt là thông qua việc xây dựng thể chế, đào tạo nguồn kỹ năng và cung cấp cơ sở hạ tầng cho kết nối kỹ thuật số".

Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân nêu ra 3 yếu tố để duy trì tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Trước đó, tại WEF ASEAN 2018, PwC cũng đã giới thiệu nghiên cứu về các nền kinh tế ASEAN mang tên “Tương lai của ASEAN - Thời khắc hành động”, đồng thời ra mắt ấn phẩm đặc biệt mang tên “Tương lai của ASEAN: Góc nhìn Việt Nam” nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về các động lực tăng trưởng của Việt Nam và so sánh sức cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong ASEAN.

Báo cáo “Tương lai của ASEAN: Góc nhìn Việt Nam” tập trung vào phân tích một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, bao gồm dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng - giao thông. Đối với mỗi lĩnh vực, báo cáo so sánh Việt Nam với các thị trường khác trong ASEAN và nhấn mạnh các lĩnh vực tăng trưởng chính và cơ hội mà các nhà đầu tư có thể tận dụng.

“Chúng tôi tin rằng việc phát triển các lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế của mình cũng như khả năng hợp tác trong khu vực. Bên cạnh những hạ tầng “cứng” rất cần thiết để cải thiện kết nối xuyên biên giới như đường sắt, đường bộ và cảng biển, ngành dịch vụ tài chính sẽ cung cấp hạ tầng “mềm” để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư,” bà Quỳnh Vân giải thích.

Từ xuất phát điểm là một nền kinh tế nhỏ trong ASEAN, Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình và trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực. Theo các chuyên gia từ PwC và các tổ chức quốc tế tham dự WEF ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những triển vọng đầy hứa hẹn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thành công thì các doanh nghiệp sẽ cần hiểu thấu đáo bối cảnh kinh doanh của Việt Nam và xác định được các cơ hội và thách thức đối với sự tăng trưởng.

H.Chi-L.Đan
.
.
.