Sóng ngầm “bất động sản Bãi Giữa” sông Hồng:

Bài 3: Chính quyền ngó lơ hay bó tay?

Thứ Ba, 06/04/2021, 07:40
Chúng tôi được dẫn ra Bãi Giữa sông Hồng, phần đất thuộc quyền quản lý của phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (TP Hà Nội), chỉ cách UBND phường vài trăm mét, thế nhưng tình trạng mua bán trái phép, xây dựng trái phép ở đây đã diễn ra rất lâu. Phải chăng chính quyền cơ sở không biết, hay còn có những khó khăn vướng mắc trong quản lý, dẫn đến việc biết nhưng không ngăn chặn được?


Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có những buổi làm việc với các cấp chính quyền địa phương.

Vừa giải tỏa lại mọc lên

Đề cập đến việc có hay không tình trạng mua bán, xây dựng trái phép ở Bãi Giữa sông Hồng thuộc địa bàn quản lý của phường Tứ Liên, sáng 25/3, trao đổi với PV, đại diện thanh tra xây dựng phường Tứ Liên cho biết, nhiều mảnh đất Bãi Giữa sông khó xác định chủ. Còn về những ngôi nhà do người dân dựng ở đây, thanh tra xây dựng phường Tứ Liên thường xuyên đi kiểm tra.

“Người ta cứ dựng mấy cái lều, chúng tôi lại ra giải tỏa. Một năm phải vài lần kiểm tra như thế. Vấn đề là giải tỏa xong, người ta lại vì nhu cầu nên dựng lại. Năm nay chúng tôi cũng đã có kế hoạch tổ chức giải tỏa, theo dự định thì cũng chỉ ít hôm nữa sẽ triển khai. Trong năm 2021, kế hoạch này là lần đầu tiên, còn bình thường trong năm thì cũng phải vài kế hoạch như thế này”, vị đại diện thanh tra xây dựng phường Tứ Liên vừa giãi bày vừa cho chúng tôi xem bản kế hoạch giải tỏa Bãi Giữa vừa được phía chính quyền phường Tứ Liên xây dựng.

Đánh giá về thực trạng tại Bãi Giữa sông Hồng hiện nay, đại diện thanh tra xây dựng phường Tứ Liên cho biết, chỉ ghi nhận biên bản khi tổ công tác đi làm việc, kiểm tra thực địa. Theo lý giải của vị đại diện thanh tra xây dựng này, khu vực Bãi Giữa có đến 3/4 diện tích thuộc quyền quản lý của phường Ngọc Thụy. Vị này cho biết, đây không phải là đùn đẩy trách nhiệm bởi khi ra quân giải tỏa là giải tỏa chung, mà thực tế địa bàn quản lý như thế. Cả hai phường cứ khi có vi phạm là tổ chức tháo dỡ.

Nhiều mảnh đất ở Bãi Giữa được quây kín rào và dựng cổng vững chắc.

Trước câu hỏi, thực tế ngoài Bãi Giữa sông Hồng hiện nay đã hình thành cụm dân cư lớn, dựng cả bảng tin để thông báo các thông tin cần thiết cho cư dân? Vị này cho hay, bảng tin này là do người dân tự dựng lên với nhau. “Thực ra nếu nói lều lán vi phạm quy định thì từ to đến nhỏ, có những cái người ta chỉ làm từ 5 đến 10m2 để dụng cụ sản xuất. Nhưng cũng có những cái người ta làm tương đối lớn. To hay bé thì khi đã ra quân giải tỏa là giải tỏa hết. Thế nhưng giải tỏa xong người ta lại dựng lại”, đại diện thanh tra xây dựng phường Tứ Liên cho biết.

Trước câu hỏi, không phải tất cả các công trình trên đất ở khu vực này đều là lều lán, mà còn có cả những ngôi nhà được làm khá khang trang, những mảnh đất được dựng thành những nhà hàng rộng lớn, khi được PV cho xem hình ảnh, phía thanh tra xây dựng Tứ Liên nói rằng đó không phải thuộc phần đất phường Tứ Liên quản lý. Tuy nhiên, phía thanh tra xây dựng phường Tứ Liên cũng cho biết, dù của địa bàn phường nào quản lý thì sắp tới khi ra quân thì cũng giải tỏa hết. Vị này cho biết thêm, lần kiểm tra gần đây nhất, theo thống kê không đầy đủ thì phía phường đã giải tỏa gần 20 nhà cả to lẫn bé.

Chính quyền biết nhưng…

Ngày 25/3, tại buổi làm việc với đại diện chính quyền phường Tứ Liên, ông Trịnh Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên cho hay, quy hoạch sông Hồng hiện nay chưa rõ thế nào vì chưa có văn bản cụ thể gửi xuống chính quyền phường. “Vấn đề này tôi cũng đã chỉ đạo chính quyền phường phải thông báo đến các hộ dân chỗ này là đất công, chỗ này là đất nông nghiệp, việc mua bán là trái pháp luật. Nếu cứ mua, sau này bị thu hồi sẽ mất trắng. Thế nhưng vẫn có tình trạng mua bán trái pháp luật mà chúng tôi không thể quản lý được”, ông Thanh thừa nhận.

Lý do theo ông Thanh, việc khó quản lý là do người dân mua bán trao tay cho nhau, không thông qua chính quyền nên phía chính quyền không thể nắm được. Ông Thanh cho biết thêm, trước đây cũng có tình trạng người dân mua bán đất ngoài Bãi Giữa để trồng cây, nhưng chỉ lẻ tẻ. Người mua sợ rủi ro nên giá cũng rẻ. Vậy nhưng gần đây việc mua bán lại rầm rộ hơn và giá lại khá cao.

“Tôi cũng đã chỉ đạo phường rà soát và kiểm tra, còn việc họ mua bán ngầm thì chúng tôi không thể quản lý được. Cái này là khó với chính quyền”, ông Thanh phân trần. Ông Thanh khẳng định, ở Bãi Giữa sông Hồng chỉ có một phần đất được Hợp tác xã giao cho xã viên từ rất lâu. Còn phần đất bồi ra do nước cạn, người ra đó chiếm, nhận là khai hoang. Nhưng việc này là sai, vì đất đó là đất công.

Với khoảng 100ha đất Bãi Giữa sông Hồng, phía chính quyền phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cho biết cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý. Bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy thừa nhận việc dựng nhà, lều lán của người dân ở khu vực này đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng phần diện tích phường này quản lý gần đây không có trường hợp nào làm mới. Tuần nào phường cũng đi kiểm tra, các trường hợp mới phát sinh đều bị tháo dỡ. Từ đầu năm đến nay đã tháo dỡ 11 trường hợp.

“Bãi Giữa sông Hồng thuộc quản lý của các phường: Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá và Ngọc Thụy. Nhưng ở địa phận Ngọc Thụy, các trường hợp xây mới, tuần nào phường cũng sang lập biên bản và tháo dỡ”, bà Hoài cho biết. Bà Hoài thừa nhận, việc có thông tin về quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng dẫn đến có người dân mua đi bán lại không đúng theo quy định và giá đất thì càng lúc càng tăng. Hệ thống đường xá cũng được người dân tự tổ chức làm rất to đẹp, đàng hoàng. Tuy nhiên, việc quản lý mua bán trái phép đất bãi này rất khó. Bà Hoài lý giải, khi người dân mua bán đất sổ đỏ còn không báo chính quyền thì họ mua bán lén lút đất bãi này, phía chính quyền phường không thể quản lý được.

Một ngôi nhà được chính quyền phường Ngọc Thụy giải tỏa.

“Bây giờ họ mua bán như đất nhà họ mà chính quyền không làm gì được. Chính quyền có đến theo dõi được đâu. Họ còn biến tấu là mua bán hoa màu chứ có mua bán đất đâu. Tôi khai hoang, trồng cây cối hoa màu thì tôi bán hoa màu chứ tôi có bán đất đâu. Họ lách luật như thế thì chính quyền cấp phường rất khó xử lý”, bà Hoài bức xúc.

Ngày 29/3, trao đổi với PV về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho hay, đây là vấn đề trọng tâm của quận để chỉ đạo xử lý trong thời gian tới. Theo ông Khuyến, Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, dự kiến phê duyệt vào tháng 6/2021, tuy nhiên chắc chắn cũng còn phải có thời gian. “Nhưng đó mới là chủ trương và trong chủ trương các lần rà soát quy hoạch làm gì chuyện Bãi Giữa được xây dựng nhà cửa. Khu vực này được quy hoạch chủ yếu là không gian xanh. Chính vì vậy chúng tôi đang cho tuyên truyền để người dân hiểu, sau khi quy hoạch thì đất đó không phải để ở, không dùng vào việc cá nhân”, ông Khuyến cho biết.

Đề cập đến việc người dân dựng nhà để ở, ông Khuyến thừa nhận có tình trạng này. Ông Khuyến cho biết thêm, trong kế hoạch sắp tới, đề xuất của UBND quận Tây Hồ là báo cáo ban Thường vụ Quận ủy thành lập một ban chỉ đạo để xử lý những vi phạm về đất đai, đê điều khu vực ngoài đê. Các vi phạm ngoài Bãi Giữa sông Hồng sẽ phải xử lý. Còn việc mua bán của người dân đều không thông qua chính quyền, tất cả chỉ là mua bán giấy viết tay. Việc mua bán này của người dân là không có tính pháp lý.

“Chủ yếu ở đây là những đối tượng đầu cơ trục lợi, mua bán trao tay. Chứ những người am hiểu không ai mua bán đất này cả. Về vấn đề quận đang chỉ đạo làm rõ một số đối tượng cò mồi khả nghi, nếu có cơ sở chắc chắn sẽ bàn giao cho cơ quan Công an để xem xét điều tra. Tuy nhiên, ở đây cũng có vấn đề khó là, bản thân người mua bị lừa chẳng hạn, người ta phải tố giác thì mới có cơ sở để xử lý theo đúng pháp luật. Còn hiện nay, người mua còn đang trong bong bóng, mơ hồ nên cũng khó khăn”, ông Khuyến cho biết.

Chính quyền biết, nhưng không thể ngăn chặn triệt để việc mua bán đất Bãi Giữa cũng như việc dựng nhà. Điều này dẫn đến hệ lụy khi triển khai Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là chắc chắn. Bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này.

Theo số liệu đại diện Hợp tác xã (HTX) Liên Châu (phường Tứ Liên) cung cấp: Diện tích đất nông nghiệp mà HTX nào được giao theo khoán 10 hơn 100ha (ngoài đất bãi ven sông Hồng, diện tích đất nông nghiệp còn lại của HTX này ở Bãi Giữa). Theo sổ bộ thuế mà HTX này đang lưu giữ, HTX có hơn 500 hộ xã viên, chia thành 7 đội sản xuất. Hiện nay, các xã viên HTX vẫn canh tác ở Bãi Giữa và một số hộ đã cho người dân ở nơi khác đến thuê để trồng trọt.

Tại Bãi Giữa, ngoài đất nông nghiệp đã giao cho xã viên, còn có diện tích đất bồi do những năm gần đây nước sông Hồng cạn do trên thượng nguồn ngăn làm thủy điện. Nhiều người đã đến đây tự nhận là đất khai hoang và mua bán, dựng nhà sinh sống.

Nhóm PVĐT
.
.
.