Lãng phí những công trình thủy lợi tiền tỷ ở Tây Nguyên

Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:58
Trong những năm qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, hàng trăm công trình thuỷ lợi lớn nhỏ đã được đầu tư xây dựng với số tiền hàng trăm tỷ đồng để phục vụ mục đích tưới tiêu, chống hạn. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, nhiều công trình chỉ được xây dựng cho có, thậm chí có công trình mới xây xong đã bỏ hoang, không phát huy tác dụng, gây lãng phí tiền của Nhà nước...


Xây công trình tiền tỷ để…bỏ hoang

Đầu năm 2010, để phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta hoa màu trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk), kênh dẫn nước Hồ Ea Súp Thượng được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 25 tỷ đồng. Công trình được thiết kế có chiều dài khoảng 6km, do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi 8 (Ban 8 - Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm xây dựng, công trình hoàn thành và được bàn giao lại cho địa phương quản lý, khai thác. Tuy nhiên, từ khi bàn giao, công trình kênh dẫn nước hàng chục tỷ đồng này không sử dụng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thuỷ lợi Đắk Lắk (đơn vị được bàn giao khai thác công trình) cho biết, vào thời điểm bàn giao lại cho đơn vị, công trình chỉ được thiết kế kênh dẫn nước chính, còn không có kênh nhánh nên không thể đưa vào khai thác.

“Chính những bất cập này mà kênh bị bỏ hoang trong một thời gian dài, xuống cấp nghiêm trọng. Đơn vị thì không có kinh phí để tu sửa, mà có sửa chữa cũng không sử dụng được thì càng thêm lãng phí. Việc này đơn vị đã có ý kiến lên cấp trên nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Hoan phân trần.

Kênh dẫn nước Hồ Ea Súp Thượng được đầu tư, xây dựng hơn 25 tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang ngay sau khi hoàn thành.

Còn tại địa bàn huyện Krông Pắk, tháng 12/2014, Kênh Đ3 thuộc hệ thống kênh của Dự án Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ được xây dựng trên địa bàn xã Krông Búk, với số vốn gần 15 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, UBND huyện Krông Pắk được Ban 8 uỷ quyền làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, Kênh Đ3 được xây dựng bằng bê tông đáy với chiều dài hơn 1,2km để lấy nước từ kênh dẫn dòng chính của Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ về tưới tiêu cho hàng trăm hécta lúa trên địa bàn 2 xã Krông Búk và Ea Kly. Thế nhưng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được 1 năm (2017) thì công trình này không phát huy tác dụng, bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm và cho đến nay, nhiều đoạn taluy bị sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đất canh tác, đất ở của người dân. Để khắc phục sự cố này, mới đây tỉnh Đắk Lắk đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để sửa chữa. Trong khi đó, hàng trăm hécta lúa của người dân địa phương vẫn thiếu nước tưới mỗi khi mùa khô đến, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.

Còn tại địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, năm 2017, công trình thủy lợi Pleikeo được đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 119 tỷ đồng. Trong đó, riêng hệ thống kênh dẫn chiếm 77 tỷ đồng. Mục tiêu công trình là cung cấp nước tưới cho khoảng 500ha lúa nước và cây hoa màu của 10 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, sau khi công trình được xây dựng hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu và chưa đưa vào sử dụng nhưng kênh dẫn nước này đã bị hư hỏng, sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng gây thiệt hại hàng tỷ đồng…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Krông Búk, huyện Krông Pắk cho biết, công trình Kênh Đ3 được xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng lại không hoạt động, không phát huy tác dụng, hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất tại địa phương.

“Nhiều vụ lúa mất mùa, không gieo cấy được khiến đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn. Về lâu dài, nguyện vọng của người dân cũng như chính quyền xã là có biện pháp đầu tư khắc phục, xây mới lại hệ thống kênh mương Đ3 để đảm bảo nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất của bà con nông dân tại địa phương”, ông Sâm nói.

Một lãnh đạo Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, các công trình thuỷ lợi được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án, do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bị bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm thực trạng này.

Còn theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho hay, có một thực trạng hiện nay là nhiều công trình thuỷ lợi được xây dựng với số tiền rất lớn nhưng không phát huy tác dụng, thậm chí bỏ hoang hoặc vừa mới xây xong đã bị hư hỏng, xuống cấp. Tới đây, Sở sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả các công trình thuỷ lợi; thống kê rà soát các công trình bị hư hỏng, ngừng hoạt động, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục. Đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi để xử lý nghiêm theo quy định.

Có thể nói, việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua nhưng không phát huy hiệu quả, đã gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Trong khi các công trình này nằm mục nát, hoen gỉ thì người dân nhiều nơi vẫn thiếu nước tưới cho cây trồng mỗi khi mùa khô hạn đến. Đã đến lúc phải xem xét quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể khi để xảy ra lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công.

Văn Thành
.
.
.