Dự án định cư hộ nghèo ấp Trà Sết còn nhiều bất cập

Thứ Năm, 22/08/2019, 10:34
Liên quan đến khu định cư 200 căn nhà cho hộ nghèo ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) rơi vào tình trạng hoang vắng, xuống cấp vì nhiều hộ không ở (Báo CAND đã phản ánh), ngày 20-8, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, Trần Hoàng Thắng đã có báo cáo thực hiện Dự án này.

Theo đó, tình hình đời sống của dân cư khu vực ấp Trà Sết rất khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, hộ nghèo chiếm gần 86%, toàn ấp có 332 hộ nghèo và 225 hộ cận nghèo, trong đó có 200 hộ nghèo không có đất sản xuất và bức xúc về nhà ở, người dân sinh sống chủ yếu với nghề làm thuê, thu nhập không ổn định. Từ thực trạng đó, Trung ương chấp thuận cho địa phương đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư (KDC) Trà Sết, được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt dự án vào cuối tháng 10-2013. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo về đất ở, đất sản xuất và nhà ở để ổn định cuộc sống, giúp các hộ an tâm lập nghiệp vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm ANCT và TTATXH ở địa phương.

Dự án có quy mô 200 hộ dân, trong đó diện tích đất ở 300m2/hộ, diện tích nhà ở 40m2/căn, hỗ trợ đất sản xuất cho 200 hộ với diện tích 3.000m2/hộ (tổng diện tích đất hỗ trợ sản xuất là 60ha-PV), cùng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng... Tổng mức đầu tư được duyệt là trên 43,3 tỉ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh trên 41,4 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Kết quả giải ngân được trên 35,2 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương trên 33,2 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 2 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Ngày 1-4-2016, UBND thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức bàn giao nhà ở, đất ở cho 200 hộ dân. Còn việc hỗ trợ đất sản xuất 3.000m2/hộ chưa thực hiện được do còn vướng nhiều thủ tục đất đai, nhất là đất rừng. Việc giao 300m2 đất ở cũng chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ dân.

Tuy nhiên, sau khi nhận nhà và đất ở, nhiều hộ dân đã “từ chối” vào ở với nhiều lý do khác nhau. Trong số 200 hộ được giao nhà, hiện nay có 106 hộ đang ở (trong đó có 52 hộ đóng cửa tạm về nhà cha mẹ ở để ngày đi làm thuê, tối mới về KDC nghỉ); có 47 hộ đóng cửa đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… Đặc biệt, có 47 hộ đã tự ý chuyển nhượng nhà cho hộ khác không thông qua chính quyền địa phương.

Nhiều căn nhà ở khu định cư ấp Trà Sết bỏ hoang.

Theo ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, khi thực hiện dự án này, địa phương gặp một số vướng mắc về diện tích đất thực hiện dự án, sau khi rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xác định diện tích đất của dự án có chồng lấn diện tích đất do kiểm lâm quản lý nên cần có thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, lập thủ tục giao đất. Việc xây dựng nhà ở với diện tích 40m2/căn, giá trị chỉ trên 33,6 triệu đồng/căn là chưa đáp ứng an toàn đối với vùng gió biển.

Thời gian triển khai dự án kéo dài, chậm thời gian quy định; giải ngân không hết nguồn vốn được giao. Nguồn nước cung cấp cho trạm cấp nước bị nhiễm phèn, mặn làm hạn chế việc sử dụng nước của người dân.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị liên quan đã có nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi trên 2,3 tỉ đồng, trong đó đã nộp về trên 1,4 tỉ đồng. Còn lại 891,4 triệu đồng, UBND thị xã đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã đôn đốc các đơn vị là Liên danh Công ty Phước Toàn Hải và Công ty CP xây dựng giao thông Sóc Trăng thực hiện nộp trả lại số tiền 891,4 triệu đồng nói trên.

Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu kiến nghị Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng tổ chức kiểm định, đánh giá lại chất lượng nguồn nước của trạm cấp nước KDC Trà Sết; kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận chủ trương để địa phương tổ chức đối thoại với các hộ dân, qua đó nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân về nhu cầu việc làm, cũng như có chính sách hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ ngư cụ, công cụ lao động, phương tiện sản xuất… thay cho hỗ trợ đất sản xuất như dự án được duyệt, bởi việc thực hiện giao đất rừng cho các hộ dân rất khó thực hiện do phải thực hiện hàng loạt các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Mặt khác, nếu giao đất rừng theo hiện trạng do các hộ dân thuộc hộ nghèo nên không có khả năng đầu tư sản xuất. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ địa phương lập thủ tục chuyển đổi 14,85ha đất rừng sang mục đích sử dụng khác để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (300m2/hộ).

Đ.Văn – C.X.
.
.
.