Ai đã tiếp tay cho việc che giấu hàng trăm mét khối gỗ lậu?

Thứ Hai, 09/05/2016, 09:44
“Mỗi khi có gỗ, ông chủ đã huy động một lượng lớn công nhân nhanh chóng xẻ gỗ, cưa ngắn lại rồi đóng thành từng hộp đưa lên xe container ngay trong đêm, sau đó chở đi các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây tiêu thụ ngay trong ngày hôm sau”, một công nhân cho biết.


Từ chuyện xưởng cưa tràn ngập gỗ lậu

Cuối tháng 4-2016, sau khi Cục Chống buôn lậu - Bộ Công an phát hiện, bắt giữ hàng trăm mét khối gỗ lậu tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đã có mặt tại xưởng gỗ của DNTN Quốc Triệu do ông Phạm Thanh Nghĩa làm chủ (đóng trên địa bàn thôn 1B, xã Quảng Sơn - nơi phát hiện chứa hàng trăm mét khối gỗ lậu). Xưởng gỗ này nằm ngay khu dân cư đông đúc và chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 1km.

Hàng trăm mét khối gỗ lậu được cơ quan điều tra phát hiện trong xưởng cưa Quốc Triệu.

Xưởng gỗ Quốc Triệu có diện tích rộng gần 1ha, được chia thành 3 khu vực. Xung quanh xưởng được bao bọc, che chắn bởi bức tường bằng ván và tôn khá tạm bợ. Đi sâu vào trong xưởng là cả một đại công trường gỗ đủ kích cỡ nằm ngổn ngang. Bên cạnh hàng trăm khúc gỗ đã được xẻ vuông, rọc phách được xếp gọn gàng là những cây gỗ có đường kính cả mét đang được chuẩn bị đưa lên mâm cưa.

Bên dưới nền xưởng, lưỡi cưa xẻ loại lớn bị vứt rải rác khắp nơi. Nhiều đường dây điện đấu nối từ điểm này sang điểm khác tạm bợ, vắt vẻo, sà xuống cả nền đất. Trong xưởng lúc này chỉ còn vài ba người ở lại để trông coi, còn một lượng lớn công nhân đã được chủ doanh nghiệp “sơ tán” đi nơi khác.

Một số người dân sống gần xưởng gỗ cho biết, xưởng này chỉ hoạt động rầm rộ vào ban đêm trong khoảng thời gian từ 1h đến 4h sáng, còn ban ngày thì gần như “án binh bất động”. Vào thời điểm hoạt động rầm rộ, mỗi đêm có cả hàng chục xe chở gỗ ra vào liên tục. Doanh nghiệp đã “lo” các loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ và “biến” gỗ lậu thành gỗ hợp pháp.

Mặc dù hoạt động trong nhiều năm qua nhưng xưởng rất ít để xảy ra tình trạng tồn đọng gỗ có số lượng lớn như vừa bị phát hiện, bắt giữ. “Mỗi khi có gỗ, ông chủ đã huy động một lượng lớn công nhân nhanh chóng xẻ gỗ, cưa ngắn lại rồi đóng thành từng hộp đưa lên xe container ngay trong đêm, sau đó chở đi các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây tiêu thụ ngay trong ngày hôm sau”, một công nhân cho biết.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng phát hiện tại bãi đất trống thuộc bon Rbút, xã Quảng Sơn có 28 lóng gỗ tròn, 1 hộp gỗ đã xẻ và tại địa bàn thôn 3A, có tới 163 lóng gỗ tròn, 29 hộp gỗ đã xẻ từ nhóm III đến VII với số lượng kiểm kê lên đến hơn 217 m³. 

Qua kiểm đếm, toàn bộ số gỗ này đều không có dấu búa bài cây cũng như dấu búa kiểm lâm. Điều đáng nói là số gỗ trái phép “vô chủ” này lại nằm sát với ranh giới của một số xưởng mộc tư nhân hoạt động chuyên nghiệp trong nhiều năm qua trên địa bàn xã.

Đến chuyện có hay không sự tiếp tay của cán bộ?

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Minh Tuấn, Trưởng Công an xã Quảng Sơn cho biết: “Từ trước tới nay, lực lượng Kiểm lâm chưa bao giờ phối hợp với lực lượng Công an xã tiến hành tuần tra bắt giữ gỗ lậu”.

Hàng trăm mét khối gỗ vô chủ được phát hiện trên địa bàn thôn 3A và bon Rbút.

Còn ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho lại cho rằng, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn chưa làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương cũng như làm hết trách nhiệm của mình. “Cụ thể như nhiều vụ việc phá rừng, vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép được người dân báo qua đường dây nóng, cán bộ kiểm lâm không tập trung tiếp nhận thông tin, xử lý vụ việc mà lại quay qua điều tra về người báo tin tên gì, sinh sống ở đâu...

Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho người báo tin, dẫn đến tình trạng người dân biết nhiều vụ việc nhưng lại sợ không dám báo”, ông Hiếu cho biết thêm. Người dân sinh sống trên địa bàn xã Quảng Sơn họ đều cho rằng, hàng trăm mét khối gỗ chở rầm rầm trong đêm mà lực lượng chức năng không hề hay biết thì làm sao không có chuyện tiếp tay của cán bộ kiểm lâm được.

“Cơ quan chức năng cần điều tra cụ thể, quy trách nhiệm đối với các cấp, các ngành và các cá nhân liên quan một cách rõ ràng. Nếu phát hiện có cán bộ liên quan đến vụ việc, chúng tôi đề nghị xử lý thật nghiêm”, ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho hay.

Theo một số đầu nậu buôn gỗ trên địa bàn xã thì toàn bộ số gỗ lậu bị bắt giữ này đều được khai thác ở huyện Krông Nô, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung sau đó chở về qua tỉnh lộ 4.

“Tuy nhiên, việc vận chuyển gỗ từ huyện Krông Nô về địa bàn xã Quảng Sơn là không hề dễ. Bởi quá trình vận chuyển phải qua một quãng đường dài, qua nhiều trạm kiểm soát của các lực lượng chức năng. Nếu như không có sự “chung chi” thì khó mà lọt qua được”, một đầu nậu thông tin.

Khi chúng tôi liên hệ làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong để làm rõ về vụ việc trên thì ông Nguyễn Trí Ngụ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đã từ chối trả lời báo chí vì chưa được phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông.

Liên quan đến vụ việc trên, vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã có quyết định đình chỉ công tác đối với các ông: Đỗ Ngọc Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong; Trần Đình Quang, Hạt phó phụ trách Trạm Kiểm lâm địa bàn xã Quảng Sơn; Nguyễn Tuấn Anh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm xã Quảng Sơn và Lê Xuân Trường, kiểm lâm viên, Phó Ban lâm nghiệp xã Quảng Sơn để điều tra làm rõ việc DNTN Quốc Triệu cất giữ trái phép gỗ lậu và hàng trăm mét khối gỗ vô chủ tại địa bàn thôn 3A và bon Rbút trong khi đơn vị, cá nhân không kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Văn Thành
.
.
.