Rừng thông cổ thụ của Đà Lạt lãnh đủ bởi cách làm thiếu trách nhiệm

Thứ Bảy, 30/01/2016, 09:51
Cách xử lý thực bì không tuân thủ đúng quy trình và thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước khiến cho những cánh rừng thông tại Lâm Đồng bị đốt cháy vô tội vạ, hệ quả gây ra chẳng khác một vụ cháy rừng.

Một thanh niên đang điều khiển xe gắn máy đổ đèo Prenn, cửa ngõ đi vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bỗng vội vã tấp xe vào lề đường. Anh chạy xuống phía thung lũng rừng thông, nơi có ngọn lửa hung tàn đang đốt cháy tất cả những thứ trên mặt đất, trong đó có những gốc thông cổ thụ không dưới 50 năm tuổi, đường kính gốc lên tới 70cm.

Xử lý thực bì nhằm phòng chống cháy rừng vào mùa khô ở Lâm Đồng không tuân thủ đúng kỹ thuật đã khiến rừng bị cháỵ.

Không có bất kỳ phương tiện chữa cháy nào trợ giúp, thanh niên nọ đành dùng bàn tay bốc từng nắm đất gần đó ném liên tục vào ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt để cứu lấy gốc thông già. Khoảng 15 phút sau, ngọn lửa hung tàn ở hai gốc thông được dập tắt. 

Cách đó vài mét, đám cháy vẫn bùng bùng dữ dội trên lớp cỏ bụi thiêu rụi tất cả các cây thông mới mọc, những loại sinh vật sống trên mặt đất, nhiều cây mai anh đào 3 năm tuổi được trồng dọc hai bên đường đèo, hàng chục cây thông cổ thụ cũng bị ngọn lửa kia thiêu cháy… Đó là cách xử lý thực bì ở rừng thông mà tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng.

Anh Nguyễn Đức Phương, một người dân có vườn dưới thung lũng rừng thông đầu đèo Prenn Đà Lạt cho biết, việc đốt lớp thực bì này diễn ra hết sức tùy tiện, bừa bãi và cẩu thả, hệ quả gây ra chẳng khác gì cháy rừng. Anh Phương kể lại, trưa ngày 24-1, một nhân viên trông coi bảo vệ rừng tên Tùng (thuộc Ban Quản lý rừng Lâm Viên) xuống khu vực này châm lửa đốt mấy điểm gần vườn của gia đình anh rồi lên xe ra về mà không ai quản lý, theo dõi ngọn lửa.

Thấy đám cháy quá lớn, bén lên cả những cây thông cổ thụ, gặp trời nắng, gió mạnh ngọn lửa có nguy cơ cháy lan sang vườn của gia đình mình và gây thiệt hại nghiêm trọng cho rừng thông, anh Phương gọi điện thoại cho nhân viên tên Tùng để trình báo và yêu cầu xuống kiểm tra, khống chế và giám sát ngọn lửa. Tuy nhiên, nhân viên này đã từ chối không xuống, sau đó tắt điện thoại khiến anh Phương rất bức xúc, bất bình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để hạn chế nguy cơ cháy rừng, cứ vào đầu mùa khô hằng năm, Lâm Đồng lại chi nhiều tỷ đồng cho việc dọn dẹp rừng, xử lý lớp thực bì trên bề mặt rừng bằng cách châm lửa đốt. Tuy nhiên, cách làm tùy tiện, bừa bãi, không tuân thủ đúng quy trình và thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước đã khiến cho những cánh rừng thông tại Lâm Đồng bị đốt cháy vô tội vạ, hệ quả gây ra chẳng khác một vụ cháy rừng.

Kim Ngân
.
.
.