“Xí phần” hàng trăm hécta đất nông nghiệp rồi… để hoang (!)

Thứ Ba, 24/07/2018, 07:58
Sau nhiều năm bị “treo”, đến thời điểm này, ngoài 55 dự án đã hết hiệu lực triển khai, trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đang còn đến 93 dự án phát triển các khu dân cư còn hiệu lực với tổng diện tích lên đến gần 2.253ha. Trong số này, có đến 47 dự án nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Nam Sài Gòn...


Trước tình trạng nhiều chủ đầu tư tranh nhau “xí phần” đất nông nghiệp để làm dự án rồi bỏ hoang hóa gây khó khăn không ít cho người dân, giữa năm 2017, UBND thành phố đã yêu cầu Sở TN&MT đề xuất biện pháp xử lý các dự án chậm triển khai trong phạm vi ranh quy hoạch Khu đô thị Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý vẫn chỉ là tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện của các dự án trên địa bàn.

Ông Năm Lưu, đại diện cho nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Phi Long (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) bức xúc: “Dự án này đã treo đến hơn 20 năm. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân khi có đất mà không được xây dựng, không trồng trọt, không làm ruộng được… nên chính quyền cần phải thu hồi dự án và có hướng giải quyết thỏa đáng cho người dân. Quyền lợi của người dân bị treo nhiều năm như vậy, song quá trình xử lý đối với dự án này của Sở TN&MT, của huyện Bình Chánh và xã Phong Phú thời gian qua là chưa kiên quyết”.

Dự án khu dân cư lấn dần đất nông nghiệp ở Bình Chánh.

Theo Sở TN&MT, dự án Phi Long đã được thành phố ra quyết định thu hồi và tạm giao đất cho chủ đầu tư từ năm 2004. Sau nhiều năm dự án không thể triển khai, đầu năm 2018, UBND thành phố đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện dự án, năng lực của nhà đầu tư để báo cáo UBND thành phố xử lý dứt điểm tình trạng chậm tiến độ với dự án này.

Thế nhưng phải đến ngày 7-5, tức gần 4 tháng sau đó, Sở TN&MT mới có thể họp với đại diện chủ đầu tư cùng đại diện địa phương và tiến hành kiểm tra thực địa tại dự án. Khi đó, đại diện chủ đầu tư thừa nhận mới chỉ thương lượng, thỏa thuận bồi thường được 68% diện tích đất nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Không chỉ chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án Phi Long còn ngang nhiên san lấp trái phép khoảng 100m chiều dài theo ranh đất dự án với tuyến rạch Bá Lữ và san lấp toàn bộ chiều dài tuyến rạch Lu Linh ở phần tiếp giáp với ranh đất dự án.

Dù Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Phi Long - chủ dự án đã ngang nhiên san lấp, lấn chiếm rạch thoát nước kéo dài nhiều năm cho đến nay, nhưng việc xử phạt chỉ là 4 quyết định xử phạt hành chính của xã Phong Phú.

Về phía huyện Bình Chánh, với dự án đã treo trên 20 năm và có nhiều lần vi phạm như vậy, nhưng huyện này cũng mới chỉ có thông báo vào tháng 11-2013 đề nghị chủ đầu tư chấm dứt san lấp mặt bằng và khẩn trương lập quy hoạch chi tiết 1/500 để trình duyệt và thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài dự án trên, tại địa bàn xã Phong Phú còn nhiều dự án treo đã và đang tiếp tục bao vây, “xí phần” đất ở đây trong nhiều năm. Để xử lý với dự án treo đang “vây” địa bàn huyện Bình Chánh, tháng 10-2017, UBND thành phố đã giao cho Ban Quản lý khu Nam và huyện Bình Chánh phối hợp với các sở, ngành cùng Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố xem xét, đề xuất UBND thành phố xử lý các dự án chậm tiến độ. Dù vậy, đến nay cũng mới chỉ có tổng cộng 24 dự án nhà ở được chấm dứt thực hiện.

Trong đó, theo một báo cáo của huyện Bình Chánh từ cách nay hơn 1 năm, riêng trên địa bàn xã Phong Phú cũng đã có đến 10 dự án có văn bản hoặc quyết định chấm dứt thực hiện cùng 9 dự án đã hết hiệu lực thực hiện. Thế nhưng với những dự án đang được chủ đầu tư triển khai dở dang, việc chấm dứt đầu tư dự án là không đơn giản khi doanh nghiệp đã “thu gom” được một phần diện tích đất trong tay hoặc bỏ ra ít tiền để san lấp mặt bằng và làm hạ tầng.

Ông Huỳnh Thế Ngọc, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở TN&MT thành phố cho biết, ngày 14-6 vừa qua, Sở TN&MT đã trình UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp giải quyết thủ tục cấp quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đối với tổ chức; việc này gắn trực tiếp với doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Trước đó, ngày 2-5 UBND thành phố cũng đã có quyết định quy định về 52 loại thủ tục hành chính liên quan đến Sở TN&MT, trong đó có thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất. Với quyết định này, quy trình cấp sổ đỏ trước đây là 57 ngày nay được rút ngắn xuống còn 15 ngày. Ông Ngọc cho rằng, việc này sẽ giúp các chủ dự án nhanh chóng đưa sản phẩm nhà, đất ra thị trường; thúc đẩy nhu cầu chuyển nhượng nhà đất tăng lên.

Song việc này cũng không hỗ trợ được gì nhiều cho các dự án nhà ở đã và đang bị treo tại huyện Bình Chánh bởi các dự án này hều hết mới chỉ dừng lại ở giai đoạn được cấp chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận địa điểm của thành phố để mua gom đất hoặc làm hạ tầng dở dang, trong lúc nhiều chủ đầu tư gặp khó về vốn.

Do đó, tình trạng ồ ạt cấp quyết định thỏa thuận địa điểm đầu tư cho những doanh nghiệp không có thực lực để các doanh nghiệp này “xí phần” đất tại Bình Chánh đã cho thấy sự tắc trách trong khâu cấp phép chấp thuận đầu tư. Song việc địa phương và cơ quan chuyên ngành làm ngơ để nhiều dự án được thoải mái treo trong nhiều năm thì trách nhiệm quản lý sau cấp phép làm dự án cũng đang có vấn đề.

Đ.Thắng
.
.
.