Chuyện khó tin nhưng có thật ở Bình Dương:

Xây dựng “biệt thự” trên đất nông nghiệp của người khác

Thứ Hai, 14/10/2019, 08:27
Chuyện khó tin này xảy ra tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân là do chính quyền thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai không đúng thẩm quyền.

Hậu quả là người khiếu nại sau 22 năm trời theo đuổi, giờ phải quay lại từ đầu. Trong khi đó, vụ việc xây dựng nhà trái phép trên phần đất nông nghiệp này vẫn tồn tại như một thách thức dù vị trí khu đất chỉ cách UBND thị xã khoảng 100m.

Theo xác minh của PV Báo CAND, thửa đất có diện tích 980m2 tọa lạc tại xã Long Phú, nay thuộc phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An nằm trong khu đất có diện tích 6.500m2 có nguồn gốc do ông Châu Vĩnh Bằng và bà Lâm Hưng Viên đứng bộ. Năm 1972, do đang sinh sống tại Thái Lan, ông Bằng, bà Viên ủy quyền cho ông Lâm Tường và bà Đặng Ngọc Tuyết được trọn quyền quản lý, sử dụng.

Sau 30-4-1975, ông Tường, bà Tuyết bỏ đi nước ngoài nên UBND Cách mạng xã Long Phú tiếp quản khu đất và cấp lại cho nhiều hộ gia đình, trong đó gia đình ông Phùng Văn Sáu, bà Từ Thị Ngời được cấp 980m2. Năm 1990, UBND huyện Thuận An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diện tích nói trên cho hộ ông Sáu.

Năm 1993, cho rằng phần diện tích này có nguồn gốc của mẹ ông là bà Trần Thị Dậu đứng bộ, ông Châu Vĩnh Hưng - em ruột ông Bằng có đơn xin lại 2.150m2 đất nằm trong diện tích 6.500m2 nói trên. UBND huyện Thuận An bác đơn ông Hưng vì không có cơ sở pháp lý. Ông Hưng ủy quyền cho con mình là bà Châu Thị Huệ tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn.

Tháng 4-1996, UBND tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ có quyết định giao phần đất 2.150m2 cho gia đình ông Hưng. Đến tháng 8-1996, UBND huyện Thuận An cấp sổ đỏ cho bà Huệ. Ngay sau đó, bà Huệ cho san lấp mặt bằng, đổ bê  tông trên mặt bằng thì gia đình bà Từ Thị Ngời phát hiện đó là phần đất của gia đình mình. Bà Ngời khiếu nại, UBND Thuận An kiểm tra lại và phát hiện đã cấp sổ đỏ 2.150m2 cho bà Huệ trùng 980m2 đã cấp cho gia đình bà Ngời.

Để khắc phục, tháng 4-1997, UBND huyện Thuận An ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp cho bà Huệ. Tuy nhiên, bà Huệ vẫn bao chiếm diện tích đất của bà Ngời và tiếp tục san lấp, xây dựng trái phép.

“Biệt thự” bà Huệ xây trái phép trên đất của người khác.

Trong giai đoạn này, lẽ ra vụ tranh chấp đất giữa bà Ngời và bà Huệ phải được tòa án giải quyết mới đúng thẩm quyền (do đất đã có sổ đỏ), nhưng UBND các cấp đều không hướng dẫn hoặc chuyển vụ án cho tòa án mà vẫn tiếp tục thụ lý giải quyết tranh chấp bằng việc ban hành khá nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đối với bà Ngời và bà Huệ. Điều đáng nói là sau khi bị thu hồi sổ đỏ, bà Huệ vẫn bình thản xây dựng trái phép trên khu đất nhưng vẫn không bị chính quyền xử lý trong suốt 22 năm qua.

Mãi đến năm 2017, khi bà Huệ không chấp nhận quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Bình Dương và khởi kiện hành chính đến TAND tỉnh Bình Dương thì vụ việc mới vỡ lẽ. Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 8-8-2017 của TAND tỉnh Bình Dương đã hủy bỏ tất cả các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Bình Dương và quyết định giao đất cho bà Huệ.

Lý do, UBND tỉnh Dương giải quyết không đúng thẩm quyền. Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, do đó, cho đến thời điểm này bà Huệ không có quyền sử dụng đất được pháp luật công nhận trên diện tích đất đang tranh chấp. Còn gia đình bà Ngời vẫn đang là người có quyền sử dụng đất hợp pháp trên diện tích 980m2.

Những tưởng sau khi có quyết định của tòa thì chính quyền sẽ can thiệp để buộc bà Huệ trả lại đất cho mình nên gia đình bà Từ Thị Ngời (hiện nay do ông Phùng Anh Tuấn, con trai bà Ngời đứng ủy quyền) tiếp tục chờ đợi cho đến ngày hôm nay.

Không chỉ chờ đợi trong vô vọng, gia đình bà Ngời còn rất bất bình khi cuối năm 2018, bà Huệ ngang nhiên xây dựng thêm và sửa chữa lại nhiều căn nhà liền nhau (trông như biệt thự) trên thửa đất 980m2 của gia đình bà Ngời. “Đất của gia đình tôi là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích, đang tranh chấp vậy mà bà Huệ vẫn liên tục xây dựng trái phép đến hoàn chỉnh nhiều hạng mục công trình dù tôi đã phản ánh liên tục đến chính quyền địa phương thì thật không thể nào hiểu nổi”, ông Tuấn bức xức cho biết.

Đến khi “gạo đã nấu thành cơm”, ngày 9-4-2019, Phòng Quản lý đô thị, thị xã Thuận An lập biên bản vi phạm về hành vi xây dựng trái phép của bà Huệ. Theo biên bản này, tổng diện tích xây dựng, sửa chữa trái phép của bà Huệ là hơn 572m2.

Từ đó, ngày 12-4-2019, UBND thị xã Thuận An ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng cũng chỉ buộc bà Huệ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích hơn 125m2, tức phần diện tích xây mới; còn phần xây dựng trái phép trước đây nay sửa chữa lại thì không nhắc đến dù cũng đã có quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Đoàn Tấn Dũng, Chánh văn phòng UBND thị xã Thuận An cho biết, lãnh đạo UBND thị xã đã giao Phòng Quản lý đô thị hoàn tất thủ tục để tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép của bà Huệ.

Tuy nhiên, do hiện nay, bà Huệ đang khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng của UBND thị xã Thuận An nên phải chờ phán quyết của tòa. Ngày 10-10-2019 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm và đã bác yêu cầu của bà Huệ.

Việc xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp, lại thuộc quyền sử dụng của người khác là điều không thể nào chấp nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật, dù UBND thị xã Thuận An có cưỡng chế công trình xây dựng trái phép nói trên thì gia đình bà Ngời cũng chưa thể nhận lại đất nếu như bà Huệ vẫn cố tình bao chiếm. Do vậy, để buộc bà Huệ trả lại đất cho mình, ông Phùng Anh Tuấn phải khởi kiện ra tòa án để được giải quyết, coi như quay lại từ đầu.

Trong một diễn biến khác, hiện tại UBND thị xã Thuận An đã có thông báo thụ lý giải quyết theo đơn của ông Tuấn tố cáo Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An có hành vi buông lỏng quản lý, giám sát và xử lý sai phạm; tiếp tay cho bà Huệ chiếm đất gia đình ông và bao che cho bà Huệ xây dựng trái phép.

Mã Hải
.
.
.