Xã cắt xén tiền của hộ được giao khoán bảo vệ rừng

Thứ Sáu, 23/04/2021, 16:51
Bước đầu kiểm tra cho thấy, lãnh đạo UBND xã Hồng Thủy đã trích lại tiền của 20 nhóm hộ bảo vệ rừng trong năm 2020 được hưởng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ là sai với quy định pháp luật.

Chiều 23/4, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc các nhóm hộ ở xã Hồng Thủy bị cắt xén tiền giao khoán bảo vệ rừng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn làm rõ để có hướng xử lý.

Bước đầu kiểm tra cho thấy, lãnh đạo UBND xã Hồng Thủy đã trích lại tiền của 20 nhóm hộ bảo vệ rừng trong năm 2020 được hưởng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt Nghị định 75) là sai với quy định pháp luật.

Rừng được giao cho các nhóm hộ ở xã Hồng Thủy bảo vệ bị lâm tặc đốn hạ.

Được biết, trong năm 2020, có khoảng 5.000 ha rừng ở xã Hồng Thủy được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng là người ở địa phương bảo vệ. 

Theo Nghị định 75 của Chính phủ, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng 400 nghìn đồng/ha/năm. Nguồn ngân sách Trung ương được đưa về địa phương và chính quyền xã sẽ chủ động hợp đồng, chi trả cho các nhóm hộ bảo vệ rừng. 

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở xã Hồng Thủy không được nhận đủ số tiền giao khoán bảo vệ rừng năm 2020 theo quy định của Nghị định 75.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy A Kơ Tiến lý giải, trong năm 2018, xã có xây dựng hội trường họp với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đối ứng của địa phương khoảng 300 triệu đồng nhưng xã không có kinh phí đối ứng cho nhà thầu nên các nhóm hộ bảo vệ rừng của xã đã “tự nguyện” trích phần tiền được hưởng trong bảo vệ rừng cho xã để chi trả khoản nợ trên.

Ông Tiến còn cho biết, hiện số tiền hơn 200 triệu đồng được xã Hồng Thủy trích lại của các nhóm bảo vệ rừng vẫn đang do thủ quỹ xã quản lý, chưa chi trả cho nhà thầu.

Trước đó, Báo CAND Online đăng bài viết “Gia tăng các vụ phá rừng ở địa bàn giáp ranh”, phản ánh tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới với huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Gần đây nhất, rừng phục hồi tại tiểu khu 256 thuộc địa bàn xã Hồng Thủy do UBND xã Hồng Thủy quản lý và hợp đồng với nhóm các hộ dân ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy để bảo vệ rừng và hưởng lợi theo Nghị định 75 lại tiếp tục bị “lâm tặc” đốn hạ lấy gỗ.

Hiện vụ việc phá rừng đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ nhằm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.


Anh Khoa
.
.
.