Vụ nhiều công nhân Trung Quốc lao động chui: Nhà thầu nhận lỗi vi phạm

Thứ Năm, 20/05/2021, 14:11
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện nhà thầu cho rằng, đã tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, do không biết ngôn ngữ Việt Nam, không có nhân lực am hiểu pháp luật Việt Nam, do đó nhà thầu mới đưa người nước ngoài vào làm việc.


Liên quan đến vụ việc nhiều lao động Trung Quốc chưa được cấp phép tại các dự án điện gió ở Tây Nguyên mà trước đó Báo CAND đã thông tin, sáng 20/5, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Sở vừa có buổi làm việc với đại diện 4 Nhà đầu tư và 4 Nhà thầu của 4 Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1,2 và Nhà máy điện gió Cư Né 1,2 về vấn đề người lao động nước ngoài làm việc tại các dự án.

Một dự án điện gió đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hiện có đến 70 người lao động nước ngoài (quốc tịch Trung Quốc) đang làm việc cho các dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk nhưng chỉ có 48 người có khai báo lưu trú trên địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk. “Toàn bộ số người lao động nước ngoài này chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Như vậy, số lao động nước ngoài này đã vi phạm pháp luật lao động về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”, văn bản Sở này nêu rõ.

Một trụ dự án điện gió đang được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Trong khi đó, đại diện 4 nhà thầu trên xác nhận, chỉ có 70 người đang làm việc ở Đắk Lắk, 8 người khác đang làm việc ở 2 tỉnh Gia Lai, Trà Vinh được điều động đến hỗ trợ và số người được nhập cảnh vào tháng 4/2021 là 9 người. 

“Trước khi đưa người nước ngoài vào làm việc nhà thầu đã tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, do không biết ngôn ngữ Việt Nam nên chưa tìm hiểu hết, do dịch bệnh COVID-19, không có nhân lực am hiểu pháp luật Việt Nam, do đó nhà thầu mới đưa người nước ngoài vào làm việc”, đại diện nhà thầu thông tin.

Phía nhà thầu cũng xác nhận là việc đưa người nước ngoài vào làm việc khi chưa được cấp giấy phép lao động là chưa đúng với quy định và vi phạm pháp luật về lao động của Việt Nam. “Nếu tạm dừng không cho người nước ngoài tiếp tục làm việc khi chưa được cấp giấy phép lao động thì nhà thầu rất khó khăn và sẽ không hoàn thành được dự án đề bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 31/10/2021. Do đó, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện để cho các chuyên gia vào làm việc để sớm hoàn thành các dự án”, đại diện nhà thầu đề nghị.

Nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Cũng theo bà Lý, trước tình hình trên, Sở đã hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục về người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Sau khi được hướng dẫn, yêu cầu các nhà đầu tư, nhà thầu phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; cam kết thời gian thực hiện hoàn thành các thủ tục, không tái vi phạm. “Sở cũng đề nghị nhà đầu tư và nhà thầu khi chưa hoàn thành các thủ tục cấp phép không được đưa thêm lao động nước ngoài vào vào làm việc; đồng thời quản lý số lao động đã vào thực hiện các quy định về cư trú, an ninh trật tự, không được di chuyển đến các địa phương, khu vực ngoài phạm vi thực hiện dự án”, bà Lý thông tin.

Trong khi đó, thông tin từ Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện có 78 người quốc tịch Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió ở huyện Krông Búk và số người này được bảo lãnh thông qua 18 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp thuộc ngành điện.


Văn Thành
.
.
.