Viết tiếp bài “Khách hàng điêu đứng vì dự án Alma - Nha Trang”:

Viết tiếp bài “Khách hàng điêu đứng vì dự án Alma - Nha Trang”

Thứ Ba, 22/09/2020, 07:39
Sau khi Báo CAND số ra ngày 6-9 đăng tải bài viết “Khách hàng điêu đứng vì dự án Alma - Nha Trang”, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều đơn của khách hàng trên cả nước liên quan đến việc ký hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này. Tuy nhiên theo phản ánh của những khách hàng này, bên cạnh những người bị lừa để ký vào hợp đồng còn có những người tự nhiên phải chịu trách nhiệm cho những hợp đồng “từ trên trời rơi xuống”, thậm chí có người không ký vào hợp đồng nào mà vẫn có chữ ký ở 6 hợp đồng.

Khách hàng nói có

Phản ánh đến Báo CAND, anh Lê Phương Nam (trú tại tập thể Vĩnh Hồ, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) bức xúc cho biết, anh có tên trong 6 hợp đồng nghỉ dưỡng tại dự án Alma - Nha Trang gồm: PBRC-K-001024, PBRC-K-001042, PBRC-K-001057, PBRC-K-001060, PBRC-K-001061, PBRC-K-001169. Tổng số tiền anh đã nộp cho công ty là hơn 1,35 tỷ đồng. Điều đáng nói nhất theo anh Nam là cả 6 hợp đồng này anh không hề ký tên nhưng vẫn có chữ ký của anh. Riêng hợp đồng PBRC-K-001024, anh được “đứng tên chung” với khách hàng khác là Nguyễn Thị Chung mà anh không biết là ai.

“Một người không quen biết, không có lý do gì tôi lại đi bỏ tiền mua chung một tài sản với họ. Thế mà trong hợp đồng đó lại có chữ ký của tôi và khách hàng kia. Điều này là phi lý”, anh Nam bức xúc. Theo trình bày của anh Nam, do sự tư vấn sai sự thực giống như các trường hợp khác nên anh đã trót đồng ý đầu tư. Ngay thời điểm chấp thuận đó, anh phải đóng ngay 30% tiền các hợp đồng, dù chưa ký hợp đồng để được quà tặng kèm cùng như các khuyến mãi kèm theo... cùng lời hứa sẽ chuyển hợp đồng cho anh xem nội dung điều khoản, quyền lợi và trách nhiệm các bên trong 10 đến 15 ngày.

“Khoảng 2 đến 3 tháng sau tôi mới nhận được hợp đồng qua chuyển phát nhanh đến địa chỉ nhà. Ngay khi đọc hợp đồng tôi đã thấy các điều khoản bất lợi cho khách hàng và quan trọng nhất là các hợp đồng của tôi đều được ký khống vào các trang cũng như phần ký chính của vị trí mà đúng ra phải là tôi ký chữ ký tươi mới có giá trị pháp lý và hợp đồng mới có hiệu lực”, anh Nam cho biết.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Yến ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội còn phức tạp hơn. Chị Yến cho biết, chị có đứng tên trong 6 hợp đồng được ký từ tháng 5 cho đến tháng 7- 2019 và đã đóng cơ bản với tổng số tiền gần 2,1 tỷ đồng vào công ty. Đến tháng 1-2020, khi dự án đã đi vào hoạt động, phía công ty hỏi chị có cho thuê 6 hợp đồng của chị không. Chị Yến đồng ý việc cho thuê thì phía đại diện công ty thông báo chị còn 7 hợp đồng phát sinh nữa. Nếu muốn cho thuê thì chị phải đóng nốt số tiền của 7 hợp đồng này.

Cả 6 hợp đồng của khách hàng Lê Phương Nam phản ánh tất cả chữ ký đều không phải của mình.

Theo chị Yến, 7 hợp đồng “từ trên trời rơi xuống” này có giá trị hơn 2 tỷ đồng, dù không tham gia mua 7 hợp đồng này nhưng các saler của công ty đã lừa giả mạo chữ ký của chị ký vào hợp đồng với công ty. Ngay sau đó chị đã đến công ty để yêu cầu hủy nhưng phía công ty đã có hành vi bao che, dung túng nhằm che đậy việc làm sai trái này.

“7 hợp đồng này đứng tên tôi cùng người khác. 7 người đứng tên chung tôi không biết là ai thì không thể có chuyện lại đi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để mua cùng và đứng tên chung với họ. Thậm chí 7 hợp đồng này tôi còn không cầm trong tay một cái nào. Mới đây tôi đã tìm được 1 hợp đồng trong 7 cái này và xác định chữ ký của tôi trong đó là giả mạo”, chị Yến bức xúc cho biết.

Cũng theo chị Yến, có thể có hợp đồng nào đó trong số 7 hợp đồng phát sinh này có chữ ký thật của chị, nhưng đó cũng là do các saler lừa bởi có 3 lần các saler đưa cho chị ký vào 3 hợp đồng để trống nói rằng do các hợp đồng của chị bị sai nên phải ký lại. Sau đó có thể đã dùng các hợp đồng này để lừa người khác mua và đứng tên cùng.

Doanh nghiệp bảo không

Đề cập đến việc có hay không các trường hợp hợp đồng bị giả chữ ký, tại buổi làm việc với Báo CAND, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Tổng Giám đốc Công ty Alma cho biết, quy trình ký hợp đồng của công ty rất chặt chẽ. Mỗi hợp đồng khi ký xong, khách hàng sẽ phải đưa ra chứng minh thư, một số giấy tờ tùy thân để đối chiếu, sau đó bên công ty sẽ kiểm tra lại và giao hợp đồng đến tận tay khách hàng. Đồng thời phía công ty sẽ gửi email cho khách hàng xác nhận lại hợp đồng của mình. Tiến độ thanh toán tiền của các hợp đồng sẽ chia làm nhiều đợt. Nếu không phải hợp đồng của mình thì cũng không có lý gì mà khách hàng lại tiếp tục đóng tiền theo tiến độ đó.

“Nếu hợp đồng ký xong, khách hàng bảo đây không phải là chữ ký của khách hàng, không phải là hợp đồng của khách hàng thì chúng tôi sẵn sàng đi cùng họ để giám định chữ ký”, bà Thắm cho biết.

Trước câu hỏi để xảy ra việc giả chữ ký khách hàng này có thể không phải do “ý chí” của doanh nghiệp mà là do khâu quản lý chưa tốt dẫn đến việc các nhân viên bán hàng lợi dụng để lấy doanh số, bà Thắm cho biết, cũng giống như tất cả các doanh nghiệp khác, phía Alma quản lý nhân viên bằng các hợp đồng lao động, các quy định và các cam kết riêng của công ty. Đến thời điểm này, 100% nhân viên đều cam kết bằng văn bản tất cả những gì tư vấn cho khách hàng là đúng quy định.

“Trong quá trình triển khai, có thể đó không phải là chủ trương của công ty nhưng đội ngũ nhân viên ở dưới lại làm sai dẫn đến việc “tam sao thất bản” thì chúng tôi sẵn sàng cùng khách hàng đưa các vụ việc đó ra cơ quan pháp luật. Cái gì sai doanh nghiệp không bảo vệ. Chúng tôi không mong muốn những vụ việc như thế, vì nó ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hiện có một số khách hàng có quan điểm khác về sản phẩm của doanh nghiệp, chúng tôi muốn ngồi lại với khách hàng để giải quyết cho từng trường hợp, tìm tiếng nói chung với những khách hàng này”, bà Thắm khẳng định.

Bàn về việc giả chữ ký của khách hàng, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tất cả mới chỉ là phản ánh từ một phía. Tuy nhiên theo luật sư Trương Anh Tú: “Là người đi cùng để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của dự án Alma này, chưa bàn đến chi tiết có hay không việc giả chữ ký khách hàng, tôi cho rằng, vụ việc khách hàng khiếu kiện công ty này rõ nhất là tội Lừa dối khách hàng.

Trước đây luật chưa sửa đổi thì là kinh doanh trái pháp luật, bây giờ dấu hiệu rõ nhất là lừa dối khách hàng. Còn với tình huống cụ thể này, nếu có việc giả chữ ký khách hàng thì khách hàng cần tố cáo ngay tới cơ quan Công an để xác minh làm rõ. Nếu đúng là chữ ký giả thì đây là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phan Hoạt
.
.
.