Vì sao phá dỡ hơn 300m đường gốm sứ ở Hà Nội?

Thứ Tư, 10/06/2020, 08:48
Từ đầu tháng 6, hàng chục công nhân dựng rào tôn quây quanh khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Máy xúc phá dỡ bức tường bê tông, nơi gắn các bức tranh, sau đó đào sâu xuống 5 m để đổ móng đường. Các đoạn tranh gốm có chủ đề "mùa xuân", "phố cổ Bùi Xuân Phái", "Hà Nội xưa và nay"... bị đập bỏ toàn bộ, những mảng gốm màu vương vãi ven đường. Điều này khiến không ít người dân tiếc nuối.

Thông tin về dự án này, ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông cho biết, dự án mở rộng đường đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân là giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình và quận Tây Hồ.

Dự án nhằm đầu tư đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm và đường Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân nhằm kịp thời xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông, tạo hướng kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm thành phố với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài.

Theo đó, đơn vị sẽ hạ độ cao đường Âu Cơ hiện trạng để thay thế một phần kết cấu đê đất bằng tường bê tông cốt thép (phía ngoài đê), kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh. Xây dựng hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, vỉa hè, cầu thang đi bộ, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các cửa khẩu và một số nút giao... 

Một đoạn đường gốm sứ được dỡ bỏ. Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 đoạn từ nút giao Yên Phụ đến nút giao khách sạn Thắng Lợi trong tháng 10/2018 đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt, đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Do vậy, TP Hà Nội quyết định tiếp tục đầu tư cải tạo mở rộng đê giai đoạn 2 từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân (chiều dài 3,7km). Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của dự án (giai đoạn 1 và 2) là hơn 815 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang triển khai thi công trên 3 đoạn với chiều dài xấp xỉ 1,2km đã được Bộ NN&PTNT thỏa thuận. Cụ thể, đoạn 1 từ khách sạn Thắng Lợi đến lối vào Xuân Diệu có chiều dài 341,59m. Đoạn 2, từ lối vào Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ, chiều dài 215m và đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân có chiều dài 643m.

Riêng đoạn 3 còn lại có chiều dài khoảng 2,5km hiện đang rà soát, nghiên cứu phương án, giải pháp thi công đứng ứng yêu cầu phòng, chống lũ theo kiến nghị của Bộ NN&PTNT. Dự kiến, 3 đoạn đang thi công sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, còn đoạn 3 sẽ cố gắng hoàn thiện vào quý 1/2021.

Trong 4 đoạn của dự án thì đoạn 1 từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu –  Âu Cơ có chiều dài 341m, cần phải mở rộng và hạ thấp phần đường về cùng một cốt cao độ để tạo cảnh quan cho khu vực nút. Đồng thời chống ùn tắc giao thông cho khu vực nút và kết nối với giai đoạn 1 đã thi công xong, mặt khác các hộ dân bên trái tuyến tiếp cận với đường giao thông, nên rất cần thiết phải mở rộng nút giao thông này.

“Cần phải thực hiện phá dỡ một đoạn tường gốm sứ chiều dài khoảng 341m để phục vụ cho việc mở rộng đường đê hiện tại. Ban cũng đã họp và lấy ý kiến các Sở ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án. Mặc dù nghiên cứu nhiều phương án nhưng vấn phải phá thay thế một đoạn đê gốm sứ, vấn đề này là bất khả kháng”- ông Cường nhấn mạnh.

Về việc này, Ban QLDA đã báo cáo UBND TP đã có chủ trương, sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường mới (chiều dài tường là rất lớn) và vẫn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn.

”Con đường gốm sứ" bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
Đặng Nhật
.
.
.