Ổ gà trên đường cao tốc 34.000 tỷ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Chủ Nhật, 21/10/2018, 08:07
Nhiều tuyến đường cao tốc được đầu tư, xây dựng đã đem lại những đổi thay đáng kể trong hạ tầng giao thông của nước ta, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhiều vùng, miền. Thế nhưng, chất lượng cũng như việc vận hành đường cao tốc hiện phát sinh rất nhiều vấn đề.

Mới đây nhất, trong tuần qua, dư luận dậy sóng khi đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã có nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng xung quanh chủ đề này.

Phóng viên (PV): Theo dõi sự cố liên quan đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đầu tư 34.000 tỷ đồng từ vốn vay nước ngoài do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, ông thấy sự việc này như thế nào?

PGS.TS Trần Chủng: Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài trên 140km nhưng khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số vị trí bị bong tróc, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cần được coi là sự cố nghiêm trọng. Bởi đường cao tốc dành cho các phương tiện cơ giới được lưu thông với tốc độ cao cần phải đáp ứng các yêu cầu riêng rất khắt khe: không có xe thô sơ; không có giao cắt đồng mức; mặt đường đảm bảo độ êm thuận và có độ bám dính tốt.

Tuyến cao tốc dài như vậy, khi mới đưa vào vận hành rất có thể xuất hiện các khuyết tật như độ không bằng phẳng, một số vị trí mặt đường bị hư hỏng nhưng phải theo dõi, phát hiện và sửa ngay để đảm bảo yêu cầu về độ êm thuận của toàn tuyến.

PV: Là người làm công tác giám định chất lượng công trình, theo ông có cách nào hạn chế các loại hư hỏng này?

PGS.TS Trần Chủng: Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng phải tuân thủ nguyên tắc làm tốt ngay từ đầu và trước khi đưa công trình chính thức vào sử dụng phải có yêu cầu vận hành thử như thử tải hay thông xe kỹ thuật để phát hiện các khuyết tật của sản phẩm. Nguyên tắc này không loại trừ trong công trình đường cao tốc bởi kết cấu đường bao gồm: nền, tiếp đến là các lớp móng đường (móng dưới và móng trên); các lớp áo đường (gồm có các lớp: bê tông nhựa hạt thô; bê tông nhựa hạt mịn; lớp bám dính). Mỗi lớp trong kết cấu đường có chức năng riêng, được tính toán chi tiết để đưa ra các thông số về bề dày và các thông số kỹ thuật rất khắt khe.

Việc thi công các công trình đường có yêu cầu nghiêm ngặt được thể hiện không chỉ trong bản vẽ mà còn thể hiện trong chỉ dẫn kỹ thuật mà ở đó qui định chặt chẽ các yêu cầu về vật liệu, trình độ tay nghề, máy thi công, trình tự thi công và các yêu cầu khi nghiệm thu đánh giá chất lượng. Nếu xuất hiện khuyết tật hay hư hỏng cục bộ mà không được loại trừ thì thực sự phức tạp khi khắc phục. Tuân thủ nghiêm các qui định làm tốt ngay từ đầu là chủ động phòng ngừa hư hỏng công trình.

PV: Như vậy thì việc thi công có tính chất quyết định đến chất lượng đường cao tốc?

PGS.TS Trần Chủng: Đúng thế. Chất lượng thiết kế chúng ta chủ động kiểm soát được. Nhưng chất lượng một công trình phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn thi công bởi ở công đoạn này ẩn chứa nhiều rủi ro về chất lượng. Thực tế, khi thi công thường có nhiều nhà thầu tham gia, nếu không kiểm tra, giám sát tốt thì dễ dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, chủ đầu tư phải kiểm tra năng lực của nhà thầu như con người, thiết bị, kinh nghiệm và năng lực tài chính có phù hợp với hồ sơ dự thầu trong hợp đồng không?

PGS.TS Trần Chủng.

Khâu kiểm tra sau đấu thầu mà bỏ qua để những nhà thầu có năng lực không phù hợp tham gia thì nguy cơ công trình kém chất lượng là điều không tránh khỏi. Việc này thuộc về trách nhiệm chủ đầu tư. Chủ đầu tư không được phó thác hết cho tư vấn giám sát mà phải kiểm tra, giám sát tư vấn giám sát. Hiện nay, kiểm tra sau đấu thầu của chúng ta rất kém…

PV: Trở lại vấn đề dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì thấy, năm 2017, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thanh tra gói thầu A5 (km 131+700 và km 131+500) thuộc dự án này thì thấy: Gói thầu này có trị giá 1.394 tỷ, được vay từ Ngân hàng thế giới (WB); Công ty Posco Engineering & Contrustion (gọi tắt là Công ty Posco), Hàn Quốc trúng thầu và đã bán thầu 100%.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao phải có một nhà thầu quốc tế làm trung gian? Việc nhà thầu chính bán thầu 100% có đúng luật không? Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Chủng: Để làm rõ, tại sao chủ đầu tư VEC lại phải ký hợp đồng với đối tác Công ty Posco cũng như việc nhà thầu chính được bán thầu 100% có đúng hay không cần phải làm xem lại Hiệp định vay của WB và hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký kết với đối tác. Nhưng theo tôi không thể có qui định tình huống này. Đã là nhà thầu chính phải thực hiện khối lượng công việc lớn nhất hoặc các công việc có đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhất mà nhà thầu chính có lợi thế. Việc giao thầu như vậy, chẳng khác nào “cai đầu dài”. Thanh tra Bộ GTVT cần làm rõ thực tế này.

PV: Những vị trí mặt đường bị hư hỏng trong dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được xác định thuộc gói thầu của nhà thầu phụ là Công ty Thành An và Công ty Cổ phần Tuấn Lộc. Phải chăng, bởi kiểm tra sau đấu thầu của VEC quá kém nên mới để xảy ra tình trạng công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xảy ra hư hỏng?

PGS.TS Trần Chủng: Thầu chính bán cho thầu phụ, thầu phụ lại bán cho thầu phụ… là hiện tượng không phải hiếm gặp. Ở dự án này, mới lộ diện hai nhà thầu phụ chất lượng kém. Muốn biết rõ thực trạng, cần phải kiểm định phúc tra tại những vị trí nghi ngờ chất lượng không rõ ràng để có đánh giá trên toàn tuyến.

PV: Những hư hỏng tại một số vị trí trên đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã rõ như ban ngày, theo ông cần phải làm gì lúc này?

PGS.TS Trần Chủng: Điều quan trọng nhất lúc này là phải tìm hiểu nguyên nhân hư hỏng. Khi đã tìm ra nguyên nhân kỹ thuật, bắt lỗi rất dễ, chứ đừng vội bắt ai là người có lỗi ngay.

PV: Khi bắt lỗi rồi, theo ông cần phải xử lý như thế nào?

PGS.TS Trần Chủng: Trước hết phải xử lý theo Luật Xây dựng đã quy định: chủ thể nào cũng phải chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm do mình làm ra và phải đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

PV: Thông thường các dự án thi công xong thường được nghiệm thu rồi mới được sử dụng và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài quy định này. Nếu việc nghiệm thu mà đúng, hẳn là không để xảy ra sai sót như hiện nay?

PGS.TS Trần Chủng: Sản phẩm xây dựng là loại sản phẩm hàng hóa đặc thù và trong kinh tế thị trường cũng có kẻ mua, người bán hàng hóa. Người mua sản phẩm là chủ đầu tư và người bán sản phẩm là các nhà thầu thông qua một tài liệu có giá trị cao nhất khi xử lý tranh chấp là Hợp đồng giao nhận thầu. Vì vậy, người mua có chấp nhận mua hay không phải thông qua công đoạn nghiệm thu. Để làm rõ trách nhiệm cá nhân trong biên bản nghiệm thu thường có hai chữ ký. Đó là chữ ký của kỹ thuật nhà thầu thi công và tư vấn giám sát.

Chất lượng phụ thuộc vào nhà thầu thi công, nên nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính (trên 50%), phần còn lại thuộc về chủ đầu tư mà thường được ủy thác cho tư vấn giám sát. Vì vậy, nếu chủ đầu tư đã nghiệm thu mà công trình hư hỏng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm tổ chức khắc phục và  điều tra nguyên nhân hư hỏng để qui trách nhiệm của từng chủ thể.

PV: Ông nhìn nhận về vai trò của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trong dự án này thế nào?

PGS.TS. Trần Chủng: Mô hình Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) đã có từ năm 1976. Nhiệm vụ của HĐNTNN là giúp Chính phủ kiểm tra công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư và kiểm tra đánh giá chất lượng công trình trước khi đề nghị Thủ tướng cho phép đưa công trình vào khai thác. Các công trình được Chính phủ giao HĐNTNN trực tiếp nghiệm thu thường là những công trình đặc biệt phức tạp về kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, những công trình qui mô lớn liên quan tới an toàn sinh mạng số đông (nhà hát, sân vận động…), an toàn môi trường (đập thủy điện lớn…).

Theo tôi được biết, hiện nay hoạt động của HĐNTNN thông qua hai hình thức: trực tiếp nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ giao HĐNTNN kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư và Hội đồng đã có nhiều nhận xét yêu cầu chủ đầu tư, các bên khắc phục.

PV: Được biết, trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, người dân đã phát hiện và có đơn gửi đến các cơ quan chức năng phản ánh về chất lượng không đảm bảo nhưng không được lưu ý…

PGS.TS Trần Chủng: Sự phát hiện của người dân như vậy là quý lắm. Dù đúng hay sai cũng phải xác minh ngay. Trong quá trình công tác của mình, tôi nhận được nhiều thư, điện thoại của người dân, công nhân, kỹ sư phản ánh và đều đến kiểm tra. Có trường hợp ở ngay Hà Nội, khi người dân báo, tôi đến hiện trường và thấy đúng liền gọi nhà thầu. Nếu nhà thầu không đền bù, sẽ họp báo công khai nên ngay sau đó họ đã khắc phục.

Chỉ những người dân có trách nhiệm mới bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để phản ánh đến cơ quan có chức năng. Giá như mỗi người đều có trách nhiệm công dân, tính tự trọng thì hôm nay chúng ta không phải bàn đến một dự án đường cao tốc được kỳ vọng rất nhiều nhưng lại đang mang nhiều điều tiếng.

PV: Để xảy ra tình trạng, đường cao tốc đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã xảy ra hư hỏng, trách nhiệm chính thuộc về ai, thưa ông?

PGS.TS Trần Chủng: Thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư được giao quyền quản lý và sử dụng vốn của nhà nước để làm ra sản phẩm phục vụ đất nước và người dân thì họ phải có trách nhiệm chứ. Chính họ là người lựa chọn các nhà thầu; kiểm soát sự tuân thủ của các chủ thể liên quan đến dự án và là người trực tiếp tổ chức nghiệm thu sản phẩm.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.