Tỉnh nghèo chơi sang: Xây cầu 28 tỷ rồi “đắp chiếu”

Thứ Năm, 25/08/2016, 08:48
Cầu Nam Trạch bắc qua sông Dinh thuộc địa bàn xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được đầu tư 28 tỷ đồng xong rồi để đấy, trong khi nhiều nơi khác ở địa phương này, hàng chục năm nay dân mỏi mòn trông ngóng một cây cầu thì không ai đoái hoài…



Được biết, cầu Nam Trạch bắc qua sông Dinh trên tuyến đường liên xã được khởi công từ năm 2013, và hoàn thiện cơ bản từ tháng 9/2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Được biết, lý do cầu Nam Trạch chậm trễ trong việc đưa vào sử dụng là do chủ đầu tư chưa thanh toán hết tiền cho đơn vị thi công… Mùa mua bão đã cận kề, nơi người dân trông ngóng cầu kiên cố thì không có, nơi được đầu tư xây dựng cầu hàng chục tỷ đồng, và cầu xây xong lại chưa thể sử dụng, nghịch lý này rất cần được các ngành liên quan ở Quảng Bình vào cuộc rốt ráo để giải quyết.

Ở Quảng Bình, nhiều nơi người dân đang phải liều mình qua những chiếc cầu tạm trong mùa mua lũ.

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở Quảng Trường, huyện Quảng Trạch hoặc xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa hàng chục năm nay ước mơ về một cây cầu thì vẫn mãi là ước mơ.

Bao đời nay, nơi người dân sinh sống ở thôn Thuận Hoà, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch được ví như một “ốc đảo” vì bao quanh bốn bề là nước.

Để tiếp bước lên đất liền, người dân phải gồng mình trên những con đò. Năm 2005, nhằm tạo điều kiện cho đám trẻ nhỏ trong làng học chữ, người dân nơi đây đã đóng góp để làm cây cầu phao dài gần 200m và rộng 2m.

Đã hơn 10 năm, cầy cầu phao lắc lẻo đã đưa hàng ngàn học sinh qua nhiều thế hệ đến trường, cũng như giúp cho người dân nơi đây bớt đi phần nào cơ cực trong việc đi lại.

Trong khi đó chiếc cầu được đầu tư 28 tỷ đồng ở Nam Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đã hoàn thiện cơ bản lại không được đưa vào sử dụng.

Còn nhớ, trong hơn 11 năm tồn tại đó, cây cầu phao ở Thuận Hòa đã bị bão lũ cuốn phăng mấy lần, sau khi lũ rút người dân lại gom nhặt từng mảnh vỡ, từng thùng phuy, dây thừng...để làm lại cầu. Do phương tiện đi lại ngày càng nhiều, hiện chiếc cầu phao nơi đây đang phải oằn mình chờ sập bất cứ lúc nào. Nhìn đám trò nhỏ níu tay nhau trên chiếc cầu rung lắc, chúng tôi không khỏi rùng mình.

Được biết, chính quyền xã Quảng Trường nhiều lần khuyến cáo nhân dân trên địa bàn khi qua cầu phải nhìn trước trông sau vì sợ cầu sập. Nhiều lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Trạch, cử tri cũng đã đề nghị các ngành quan tâm xây dựng cầu, nhưng tất cả đang rơi vào im lặng.

Cũng như ở Thuận Hòa, chiếc cầu phao ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng đang gồng mình làm cầu nối cho hơn 200 hộ dân trên 1 ngàn nhân khẩu ở địa bàn lưu thông hằng ngày.

Theo chị Trần Thị Loan ở xã Đồng Hóa, trước đây người dân đóng mỗi tháng 2kg gạo để trả công cho người lái đò. Nhưng thôn Đồng Phú cứ mưa là ngập lụt nên thường xuyên bị cô lập, chia cắt vì thế năm 2000, anh Nguyễn Văn Khanh đã bỏ gần 200 triệu đồng làm một chiếc cầu phao dài 160m, rộng 1,8m cho người dân đi lại.

Năm 2011, chiếc cầu anh Khanh làm đã bị lũ cuốn trôi, sau đó người dân đã đóng góp làm lại cầu phao. Nhưng chiếc cầu chỉ hoạt động được trong mùa khô, còn mùa mưa lũ chiếc cầu buộc phải kéo vào vì ngập, nên người dân nơi đây lại phải đánh cược tính mạng của mình để đi lại bằng đò.

Năm 2014, người dân ở xã Đồng Hóa vui mừng khi chính quyền địa phương thông báo vào ngày 10-9-2014, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức khởi công xây cầu nơi đây. Nhưng rồi niềm hi vọng của bà con dần tắt khi không biết vì sao từ đó đến nay chẳng có ngày khởi công, và cũng chẳng có một cây cầu kiên cố như người dân chờ đợi và không biết họ còn phải chờ đến bao giờ…

Dương Sông Lam
.
.
.