Tin lời hứa hão, người lao động ôm trái đắng

Thứ Hai, 14/09/2020, 09:21
Phản ánh đến Báo CAND, một nhóm người lao động cho biết do tin lời hứa có thể đưa lao động sang Australia (Úc) làm việc theo diện Visa 491 nên đã đến Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD để làm thủ tục và nộp tiền.

Tuy nhiên đến hẹn 31- 3- 2020, visa không có và dĩ nhiên không thể xuất cảnh theo lời hứa của công ty thì người lao động mới biết mình bị lừa. Phải chạy vạy, vay mượn để có tiền nộp mong được ra nước ngoài làm việc với hy vọng đổi đời, thế nhưng những gì họ nhận được đến nay chỉ là quả đắng.

Doanh nghiệp hứa lèo!

Có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, thấy Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD quảng cáo trên mạng xã hội có thể đưa lao động sang Úc làm việc thủ tục đơn giản và sẽ nhanh chóng được xuất cảnh, anh Nguyễn Văn Đáng (SN 1996, trú tại Khu dân cư Phú Tảo, Thạch Khôi - TP Hải Dương) đã đến trụ sở công ty này tại địa chỉ số 35, ngõ 75, phố Vĩnh Phúc, TP Hà Nội để ký hợp đồng và nộp tiền đặt cọc. 

Theo hợp đồng mà anh Đáng ký với công ty này để sang được Úc làm việc, người lao động sẽ phải trả 450 triệu đồng chưa bao gồm học tiếng và ăn ở tại Việt Nam. Người tham gia chương trình sẽ đóng tiền thành 3 đợt: Đợt 1 là 5 triệu đồng để “check” hồ sơ, đợt 2 là 165 triệu đồng ngay sau khi đăng ký tham gia chương trình visa 491, đợt 3 là 280 triệu đồng sau khi ra được visa. 

“Khi đến công ty, chúng tôi được người của công ty tư vấn, khẳng định chắc chắn với chúng tôi là sẽ làm được visa và cho chúng tôi xuất cảnh trong tháng 3- 2020. Chính vì tin vào công ty nên tôi đã nộp đặt cọc 2 đợt là 170 triệu đồng. Thế nhưng đến hẹn 31- 3, visa không có và đương nhiên cũng không thể xuất cảnh. Tôi tìm hiểu kỹ về chương trình visa 491 mới biết là mình bị lừa. 

Bởi điều kiện cấp visa 491 này rất khó, người lao động như chúng tôi không thể đủ điều kiện”, anh Đáng cho biết. Sau khi không thể xuất cảnh, anh đã đến công ty để đòi lại tiền. Công ty này đã trả lại 65 triệu đồng, còn 105 triệu đồng từ đó đến nay chưa lấy lại được.

Khác với trường hợp của anh Đáng, chị Mai Thị Hái (SN 1993, trú tại phường Thạch Khôi- TP Hải Dương) cùng 4 người khác đã ký hợp đồng với công ty để đi làm việc tại Ba Lan từ trước đó thông qua chi nhánh của công ty này tại TP Hải Dương. 

Tuy nhiên do không thể đi được Ba Lan nên tháng 3- 2020, Giám đốc của công ty là Nguyễn Minh Công đã về Hải Dương nói với nhóm 5 người này rằng không đi được Ba Lan thì chuyển sang đi Úc theo diện visa 491. Tin lời hứa chắc chắn sẽ ra được visa và xuất cảnh trong tháng 3- 2020 nên nhóm 5 người của chị Hái đã lên trụ sở của công ty ở TP Hà Nội để ký hợp đồng mới và nộp tiền đặt cọc mỗi người 160 triệu đồng. 

“Chúng tôi được hẹn hạn cuối cùng để xuất cảnh là 31- 3- 2020, nhưng đến hẹn công ty không lo được visa và không cho chúng tôi xuất cảnh được. Đến công ty đòi lại tiền thì mỗi người được trả lại một ít. Hiện công ty không nghe máy và cũng không thanh toán nốt số tiền còn lại cho chúng tôi”, chị Mai Thị Hái chia sẻ.

Đơn của người lao động tố cáo Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD lừa đảo đưa người lao động sang Úc làm việc.

Doanh nghiệp cũng bị lừa?

Tìm hiểu về điều kiện cấp visa 491 để có thể nhập cảnh vào Úc làm việc, thì rõ ràng đối với lao động phổ thông chắc chắn sẽ không thể đủ điều kiện. Cụ thể, visa 491 diện tay nghề mới là loại visa thay thế cho visa 489 Úc dành cho di dân có tay nghề. 

Với visa 491, người lao động sẽ được tạm trú và làm việc tại các vùng quê của nước Úc. Không những vậy, sau khi sở hữu visa này, người lao động còn có thể xin thường trú Úc bằng visa 191. Tuy nhiên điều kiện để được cấp visa 491 này hoàn toàn không đơn giản như lời hứa của Công ty cổ phần Tư vấn đào tạo PAD. 

Visa 491 là loại visa ưu tiên dành cho người tốt nghiệp tại Úc. Do vậy, nếu bằng cấp của người lao động không phải do Úc cấp, thì rất khó xin visa này. Cũng có một số bang cho phép người nộp đơn từ bên ngoài, không nhất thiết phải tốt nghiệp tại bang của mình. 

Nhưng người lao động phải có thư mời làm việc ít nhất 12 tháng từ một doanh nghiệp địa phương. Như vậy, một trong hai điều kiện tiên quyết người lao động cần đạt được trước khi nghĩ đến các điều kiện xin visa 491 diện tay nghề, đó là: Nhận được thư mời làm việc từ một doanh nghiệp địa phương của Úc. Có người thân ruột thịt sống tại vùng được chỉ định của Úc. 

Bên cạnh đó, điểm nổi bật của diện visa 491 này là cách tính điểm, để được cộng thêm điểm người làm visa cần có thêm nhiều điều kiện khác rất khó cho lao động phổ thông của Việt Nam nữa như: Người nộp đơn có vợ/chồng hoặc partner có trình độ tiếng Anh thành thạo (IELTS 6.0 – không có kỹ năng nào dưới 6; PTE 50 – không có kỹ năng nào dưới 50), Đương đơn có bằng cấp thuộc lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học)… 

Rõ ràng với những điều kiện như thế này cơ hội cho lao động phổ thông Việt Nam xin cấp được visa 491 là quá khó, thậm chí có thể nói là không thể. Thế nhưng tại sao Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD lại khẳng định chắc chắn với người lao động là làm được visa 491 này?

Để làm rõ vấn đề này, PV Báo CAND đã trao đổi với bà Lại Thị Duyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD. Trong câu chuyện với bà Duyên, PV được biết, không chỉ có một số trường hợp phản ánh đến Báo CAND vì bị lừa tham gia chương trình visa 491 của công ty mà còn hàng chục người nữa cũng là nạn nhân. 

Bà Duyên cho biết, Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo PAD là công ty trung gian trong hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài nên không có giấy phép xuất khẩu lao động. 

Trước câu hỏi, visa 491 với rất nhiều điều kiện khó như thế thì làm sao công ty có thể làm được cho người lao động phổ thông, bà Duyên cho hay, trong vụ việc này công ty cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo. 

“Chúng tôi không trực tiếp làm visa mà thông qua một người đồng hành với công ty lâu nay. Chúng tôi cũng được hứa hẹn chắc chắn là sẽ làm được visa những lao động này nên đã tin tưởng. Chuyển toàn bộ số tiền thu được của người lao động hơn 7 tỷ đồng cho đối tượng này để lo làm visa. Ai ngờ sự thể lại đến nông nỗi này. Chúng tôi cũng đã gửi đơn tố cáo đối tượng này đến Công an TP Hà Nội và lực lượng Công an cũng đang vào cuộc xử lý”, bà Duyên cho hay.

Bà Duyên cho biết, đối với những người lao động đã nộp tiền vào công ty, công ty cũng đang khắc phục dần dần. Mỗi lao động hiện đã được trả lại một số tiền nhất định và số còn lại sẽ được trả dần bởi hiện công ty không đủ khả năng để trả lại hết ngay lập tức. 

“Với trách nhiệm của mình tôi khẳng định sẽ khắc phục. Nhưng số tiền hơn 7 tỷ đồng hiện quá lớn đối với tôi nên chỉ có phương án trả dần. Tôi đã tính tới phương án bán nhà để trả cho người lao động, nhưng hiện nay đang dịch bệnh nên bán nhà cũng không dễ. 

Phương án hiện nay là mỗi tháng sẽ trả mọi người một ít đến khi giải quyết xong. Chúng tôi cũng phải cố gắng tiếp tục duy trì công việc này để tạo ra lợi mà có trả cho người lao động. Chỉ có chương trình Úc này xảy ra vấn đề còn các chương trình khác chúng tôi vẫn đảm bảo uy tín và đưa được lao động ra nước ngoài làm việc. 

Trong câu chuyện này tôi bị lừa rồi nhưng lại để liên đới đến những lao động này, nên chắc chắn tôi sẽ chịu trách nhiệm, chỉ là mong muốn người lao động thấu hiểu để tôi khắc phục dần”, bà Duyên nói.

Câu chuyện một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho những lao động có nhu cầu chính đáng ra nước ngoài làm việc nhưng vì thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ để bị lừa đảo, tiền mất tật mang!

Phan Hoạt
.
.
.