Chuyện lạ giữa Hà Nội: Giao đất một đằng, xác nhận một nẻo

Thứ Bảy, 17/09/2016, 16:40
Báo CAND đã có bài viết phản ánh về sai phạm xảy ra ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở quận mới này. 

Bài 1: Giao đất một đằng, xác nhận một nẻo

Người dân thắng kiện vẫn lo

Tại dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long, 4 hộ dân kiện UBND huyện ra tòa thì 3 hộ thắng kiện. Nhưng, sự việc không dừng ở đó.

Chúng tôi đến tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm gặp những người dân đã theo đuổi vụ kiện UBND quận Bắc Từ Liêm nhiều năm nay, nét mặt ai cũng rầu rĩ, lo lắng mặc dù họ là người thắng kiện.

Người dân ở đây cho biết, năm 2010 khi thu hồi đất làm đường nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Thụy Phương (nay là phường Thụy Phương) chỉ công nhận cho người dân thuộc diện thu hồi có 200m2 đất ở mặc dù người dân được cấp đất ban đầu năm 1986 là 360m2 và theo bản đồ năm 1994 đều có diện tích lớn hơn 360m2 đất thổ cư. Từ đó, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (cũ) ban hành quyết định chỉ công nhận cho người dân có 200m2 đất ở.

Khi người dân có đơn tố cáo, huyện Từ Liêm vẫn cho rằng mức 200m2 là phù hợp với khoản 1, điểm a, Điều 35 Luật Đất đai năm 1988. Trong khi đó, theo phản ánh, có hộ dân khác lại được cấp giấy chứng nhận đất ở vượt cả trăm mét vuông so với thực tế. Chính vì thế đã dẫn tới việc người dân khởi kiện ra tòa án.

Dự án đường vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long tiến độ chậm trễ, gây ngập úng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 4 hộ dân ở phường Thụy Phương mà đại diện là ông Nguyễn Văn Nhàn, Vũ Văn Hiền, Vũ Xuân Bình và Nguyễn Văn Thời có đơn khởi kiện UBND huyện Từ Liêm. Tại các phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện Từ Liêm đều xử họ thua kiện. Không đồng tình với bản án, người dân tiếp tục kháng cáo. TAND TP Hà Nội đã mở các phiên xét xử sơ thẩm và tuyên ¾ hộ dân thắng kiện.

Theo ông Vũ Văn Hiền thì năm 2010, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã ban hành Quyết định thu hồi 214m2 đất với hộ gia đình ông để thực hiện dự án đường vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long, trong đó xác định có 20m2 đất ở và 194m2 đất vườn.

Ông Hiền cho rằng, các quyết định của UBND huyện Từ Liêm đã thu hồi và bồi thường, hỗ trợ không đúng diện tích, xác định sai loại đất, thiếu tiêu chuẩn tái định cư đối với gia đình ông, nên ông đã nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện yêu cầu huyện Từ Liêm hủy bỏ các quyết định thu hồi đất và chỉ định bốc thăm tái định cư.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Hà Nội quyết định chấp nhận kháng cáo của ông Hiền, sửa quyết định của bản án sơ thẩm, hủy 6 quyết định của UBND huyện Từ Liêm về việc thu hồi đất, phương án bồi thường, bốc thăm tái định cư với gia đình ông Hiền. Ngày 17-6-2016, UBND ban hành Quyết định 2398/QĐ-UB hủy bỏ các Quyết định thu hồi đất theo Bản án phúc thẩm. Mặc dù vậy, nhưng đến nay là giữa tháng 9-2016, các cơ quan chức năng của quận Bắc Từ Liêm chưa đưa ra phương án mới cho 3 gia đình thắng kiện.

Trong 4 hộ khởi kiện thì có hộ ông Nguyễn Văn Nhàn ở cả hai phiên xét xử đều thua kiện. “Nguồn gốc đất của gia đình tôi cũng như 3 trường hợp thắng kiện kia, nhưng do việc nhà tôi xét xử trước (từ năm 2013-PV) nên đều bị xử thua kiện. Tôi đã gửi đơn kháng nghị lên Tòa án cấp cao và đã được VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Giám đốc thẩm”- ông Nhàn trình bày.

Cách giải quyết khó hiểu của UBND quận Bắc Từ Liêm

Tính đến thời điểm này, 3 bản án số 61/2015/HCPT ngày 26-9-2015, số 63/2015 ngày 29-9-2015 và số 67/2015/HCPT ngày 23-11-2015 của TAND TP Hà Nội đối với hộ ông Bình, Hiền, Thời đã 1 năm trôi qua. Các hộ dân phản ánh: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thúc giục yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm thi hành bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội để ra các quyết định thu hồi đất mới và các quyết định thay thế quyết định thu hồi để chúng tôi ổn định cuộc sống.

Người dân chờ đợi quận Bắc Từ Liêm thi hành bản án phúc thẩm.

Thế nhưng, ngày 17-6-2016 UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định 2389/QĐ- UBND về việc hủy bỏ các Quyết định thu hồi đất mà TAND TP Hà Nội đã phán quyết cho 3 hộ dân thắng kiện. Đây là quyết định thừa vì trong phán quyết của tòa án đã tuyên hủy các quyết định đó rồi. Phải chăng đây là việc cố ý trốn tránh trách nhiệm thi hành bản án phúc thẩm đã tuyên của UBND quận Bắc Từ Liêm?”- ông Hiền bức xúc cho biết.

Vậy, căn cứ nào để UBND huyện Từ Liêm (cũ) ra quyết định phê duyệt bồi thường diện tích đất ở là 200m2 cho người dân và tại sao đến nay đã 1 năm trôi qua, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa thi hành bản án?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chánh văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB dự án do có vướng mắc về việc xác định hạn mức đất ở để tính bồi thường, UBND huyện đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến thành phố. Thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất và báo cáo. 

Ngày 11-3-2013, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận với đề xuất của UBND huyện Từ Liêm. Theo đó vẫn giữ nguyên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt với diện tích đất ở là 200m2/hộ, diện tích đất còn lại nằm trong cùng thửa đất có nhà ở được tính là đất vườn liền kề. 15 hộ trong dự án thì 11 hộ đã nhận tiền đền bù, chỉ có 4 hộ khiếu nại. 

Sau khi có 3 bản án phúc thẩm, các hộ liên tục có đơn đòi được thi hành bản án. Các bản án đối với 3 hộ nêu trên đang có sự nhận định và phán quyết không đồng nhất với bản án của ông Vũ Văn Nhàn. Do vậy, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có khiếu nại bản án đề nghị giải quyết theo trình tự Giám đốc thẩm gửi TAND cấp cao. Hiện nay, TAND cấp cao chưa trả lời”.

“Nếu thực hiện theo phán quyết của TAND TP Hà Nội sẽ dẫn tới 1/4 hộ có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được lập, phê duyệt không đảm bảo về giá trị bồi thường so với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt trước đây. Đồng thời 11/15 hộ đã nhận tiền là những người chấp hành chính sách GPMB sẽ so sánh, thắc mắc, dẫn tới tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Chính vì khó khăn này nên quận đã phải xin ý kiến thành phố”- ông Sỹ cho biết.

Chúng tôi thấy khó hiểu trong cách giải quyết của UBND quận Bắc Từ Liêm. Bởi, sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành quyết định hủy các quyết định mà tòa đã tuyên hủy. Sau đó chính UBND quận lại có đơn đề nghị Giám đốc thẩm, thực hiện phương án như quyết định đã hủy. Người dân đang chờ cách giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật để yên tâm ổn định cuộc sống.

Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.