Thương mại hóa di tích bằng dịch vụ cà phê, giải khát

Chủ Nhật, 27/12/2015, 08:13
Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế triển khai chương trình bảo tồn và thích nghi giá trị di tích, với nhiều loại hình dịch vụ, như cà phê giải khát, ăn nhanh, xe điện, hàng lưu niệm thủ công, mặc trang phục xưa, tổ chức tiệc, nghe nhã nhạc… Bên cạnh những ý kiến hoan nghênh, vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn, phản ứng trước những việc làm này.


Vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp”, quần thể di tích Cố đô Huế từng bước được trùng tu, tôn tạo, thu hút sự tham quan của du khách gần xa. Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế triển khai chương trình bảo tồn và thích nghi giá trị di tích, với nhiều loại hình dịch vụ, như cà phê giải khát, ăn nhanh, xe điện, hàng lưu niệm thủ công, mặc trang phục xưa, tổ chức tiệc, nghe nhã nhạc… Bên cạnh những ý kiến hoan nghênh, vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn, phản ứng trước những việc làm này. 

Điển hình như việc Trung tâm BTDT cho đấu giá kinh doanh cà phê tại các điểm di tích; như “biến” lầu Tứ phương vô sự thành quán Cà phê Tứ phương vô sự, với giá đấu 200 triệu đồng/năm. Lầu Tứ phương vô sự là công trình kiến trúc 2 tầng, nằm trên đài Bắc khuyết của Hoàng thành Huế; được xây dựng và khánh thành năm 1923 để chuẩn bị mừng thọ “Tư tuần đại khánh tiết” của vua Khải Định.

Tứ phương vô sự sau đó trở thành nơi cho vua và hoàng gia hóng mát, cũng là nơi học tập hằng ngày của các vị hoàng tử, công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn. Qua thời gian và chiến tranh, di tích này bị hư hỏng nặng nề. 

Tháng 12-2008, lầu Tứ phương vô sự được khởi công trùng tu và đến tháng 10-2010 được khánh thành nhân Kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Đến tháng 5-2011, dư luận xôn xao khi Tứ phương vô sự biến thành quán cà phê qua sự thoả thuận giữa Trung tâm BTDT Cố đô Huế với người kinh doanh giải khát bên ngoài.

Để trấn an dư luận, Trung tâm BTDT Cố đô Huế giải thích, đây không chỉ là quán cà phê đơn thuần mà còn là nơi trưng bày sách vở, thư tịch cổ, hiện vật cổ… để giới thiệu với du khách. Đó là những gì có thể làm để đối phó với sự phản ứng gay gắt của người dân Cố đô Huế, đặc biệt là những nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ và hậu duệ hoàng tộc...

Quán cà phê Tứ phương vô sự tại di tích lầu Tứ phương vô sự.

Hiện nay, quán cà phê Tứ phương vô sự, bên trong không còn là nơi trưng bày hiện vật cổ. Thay vào đó là bàn ghế được kê sát tường, giữa nền nhà làm chỗ cho khách ngồi uống cà phê. Xung quanh cờ đuôi nheo được bài trí… mang dòng chữ “Café Tứ phương vô sự”. Dọc cầu thang gỗ, dây điện, dây mạng quấn quanh trang trí ánh sáng màu đỏ xanh vàng tím về đêm. Khách vào ra nơi đây đủ mọi thành phần, chẳng khác gì những quán cà phê đang có ở Huế.

Tháng 3-2012, Trung tâm BTDT Cố đô Huế lại cho thuê thêm một điểm di tích nữa làm nơi trưng bày, quảng bá các loại sản phẩm đông dược, khám chữa bệnh bằng Đông y cho khách đoàn có đặt trước và một số dịch vụ giải khát… kết hợp trưng bày những gì liên quan đến cuộc sống của cung nữ. Đó là điểm di tích Bình An Đường. Di tích này nằm ở Đông Bắc Hoàng thành Huế, vốn là nơi chữa bệnh, dưỡng bệnh và là nơi quàn thi hài của các cung nữ phục vụ trong cung đình.

Trong ngày khai trương, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm BTDT (nay là Giám đốc) có trao đổi với các nhà báo rằng, sau khi khai trương dịch vụ tại Bình An Đường sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu một số loại dược phẩm, thực phẩm chức năng truyền thống, như rượu Minh Mạng thang, thuốc ngâm rượu Minh Mạng thang, trà cung đình… để phục vụ du khách. Đồng thời, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, sách vở, các bài thuốc Đông y… liên quan đến đời sống các cung nữ xưa, cũng như Thái y viện triều Nguyễn…

Những gì ông Hải nói nghe ra quá hấp dẫn và người ta tin đây sẽ là điểm tham quan thú vị, hấp dẫn du khách là điều riêng có của Huế. Nhưng, đã 3 năm trôi qua, những lời hứa ấy theo gió cuốn đi. Bình An Đường bây giờ chỉ là một quán cà phê bình thường không hơn không kém.

Sự độc đáo của Bình An Đường chính là một “bệnh viện cung đình” dành riêng cho thái giám, cung tần mỹ nữ các vua triều Nguyễn. Quanh sân vườn ngày xưa chỉ trồng các loài hoa và cây thuốc nam để tiện sử dụng trong chữa bệnh… Còn bây giờ thì tre, cây cau thái trồng ken dày che phủ bên ngoài, bên trong là bàn ghế, dù lọng cà phê nhếch nhác…

Mới đây, Trung tâm BTDT Cố đô Huế lại cho thuê thêm một điểm di tích nữa để mở quán cà phê, với tên gọi Nền Cũ. Đó là Nhà lưu niệm bà Từ Cung, tại 145 Phan Đình Phùng (phường Phú Nhuận, TP Huế). Nhà lưu niệm bà Từ Cung kết nối với Khải Tường lâu, cung An Định hình thành tuyến tham quan tìm hiểu về đời sống của gia đình vua Bảo Đại – vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn; song lại trở thành quán… cà phê bình thường như bao quán cà phê khác.

Cũng như lầu Tứ phương vô sự và Bình An đường, nhà lưu niệm bà Từ Cung với ý đồ bảo tồn thích nghi ban đầu rất tốt nhưng bây giờ thì chỉ là một quán cà phêá bình thường không hơn không kém và người thuê sẽ canh tân nó lại cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình, sự phá vỡ không gian nguyên trạng là một tất yếu…    

Với cách khai thác di tích lịch sử văn hoá đơn giản và thương mại hoá một cách tầm thường như thế của Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã  gây bất bình trong dư luận, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Huế. Ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu Huế, đã nhiều lần lên tiếng rằng, không thể cho thuê các điểm di tích nhạy cảm để mở các hàng quán bát nháo như vậy được.

Mỗi điểm di tích có dấu ấn lịch sử riêng của nó; muốn bảo tồn mang tính thích nghi cần công khai, mở hội nghị, hội thảo, tranh thủ ý tưởng của cộng đồng, người dân chắc chắn sẽ có nhiều cách làm tốt và hấp dẫn hơn nhiều. Cứ nhắm mắt cho thuê di tích như cho thuê mặt bằng để thu tiền thì không thể chấp nhận được. Một nhà nghiên cứu Huế khác là ông Nguyễn Đắc Xuân cũng lên tiếng rằng, việc phục hồi di tích lầu Tứ phương vô sự là quá tốt, song không thể biến nó thành quán cà phê Tứ phương vô sự...

Theo ông Lê Văn Thuyên, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Huế Xưa và Nay cho rằng, ý tưởng của nhà tổ chức muốn làm cho di tích có sinh khí và phát huy giá trị là rất tốt, song không phải phát huy giá trị với bất cứ giá nào. Cho thuê để làm quán cà phê giải khát là thương mại hoá di sản, đi đến làm hỏng di tích sẽ gây phản ứng trong dư luận xã hội là điều hiển nhiên.

Chiến Hữu
.
.
.