Thi công thủy điện “cắt đường” vào sản xuất của người dân

Thứ Bảy, 02/12/2017, 10:04
Báo CAND đã có bài viết phản ánh dự án xây dựng thủy điện Thượng Nhật (tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế), được khởi công từ năm 2006 nhưng sau nhiều năm vẫn không triển khai thực hiện khiến hơn 200 hộ dân phải “sống khổ” do đất đai nằm trong vùng quy hoạch, bị thu hồi rồi bỏ hoang.


Sau nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư, đến tháng 6-2016, công trình thủy điện này được Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam (gọi tắt Công ty Thủy điện miền Trung) triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng, trên diện tích 154ha. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng các cam kết theo quy định về bảo vệ môi trường và cắt đứt tuyến đường độc đạo vào rừng sản xuất của người dân địa phương.

Từ con đường bê tông liên thôn,  ông Hồ Xuân Lam (75 tuổi, ở thôn 4, xã Thượng Nhật) dẫn chúng tôi đến đoạn đường bùn đất lầy lội vốn là tuyến đường độc đạo dẫn vào khu sản xuất Cha Lai nay đã bị các phương tiện thi công dự án thủy điện Thượng Nhật cày nát và “cắt đứt”. 

Theo ông Lam, đơn vị thi công đã cho máy móc cào múc và phá nát một đoạn dài hơn 1km khiến người dân không thể đi vào rừng. “Vợ chồng tôi có hơn 1ha keo tràm 2 năm tuổi ở bên kia khu Cha Lai nhưng nhiều tháng qua, chúng tôi không thể vào chăm sóc rừng do đường bị cắt. Hiện gia đình rất lo lắng, bởi sau đợt ảnh hưởng của bão số 12 và 14 thì không thể vào thăm rừng và không biết rừng có bị gãy hay hư hại gì không”. 

Nhiều hộ dân ở xã Thượng Nhật không thể vào nơi sản xuất do đường bị đơn vị thi công thủy điện đào bới.

Tương tự, nhiều hộ dân ở thôn 3 và thôn 4, xã Thượng Nhật có trồng rừng cao su và rừng tràm kinh tế ở khu Cha Lai cũng đứng ngồi không yên khi không còn tuyến đường nào khác để vào rừng. 

Để chăm sóc cho 2ha cao su và 1ha keo tràm, gia đình ông Trần Văn Hiền (45 tuổi, ở thôn 3, xã Thượng Nhật) đã dựng một trang trại ngay giữa cánh rừng cao su và nuôi thêm đàn bò hàng chục con. Tuy nhiên, kể từ ngày tuyến đường dẫn vào rừng bị đào bới, ông Hiền phải lùa đàn bò về nhà và không thể quay lại cánh rừng dù cao su đang thời kỳ thu hoạch mủ. 

Ông Hiền bức xúc nói: “Ở khu vực đồi núi này, người dân chúng tôi bám rừng để làm kinh tế. Riêng gia đình tôi, từ chi phí sinh hoạt hằng ngày, tiền học phí cho các con đến các khoản ma chay, cưới hỏi... đều phụ thuộc vào việc bán mủ cao su. Cứ 2 tuần một lần, vợ chồng tôi thu hoạch mủ, sau đó chở ra trung tâm xã bán cho thương lái nhưng giờ không còn đường đi nên rừng cao su đành bỏ phí. Vì thê,ë chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp để yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện hoàn trả lại mặt đường”.

Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật khẳng định, ngoài hộ ông Lam, ông Hiền còn 80 hộ dân khác ở thôn 3, thôn 4 có gần 300ha cao su và keo tràm ở khu vực Cha Lai nhưng không thể vào chăm sóc, thu hoạch. 

Theo ông Khởi, kể từ khi dự án thủy điện Thượng Nhật triển khai xây dựng đã gây nhiều ảnh hưởng đến sinh kế người dân địa phương. Đặc biệt, việc đơn vị thi công san ủi hơn 1km tuyến đường mòn có mặt đường rộng 1,2m đoạn qua khe Pơ Đu khiến người dân không có đường vào rừng nên bà con rất bức xúc. Đỉnh điểm là có nhiều hộ dân đã dùng các vật dụng chặn đường không cho xe vào công trường thi công. 

“Kinh tế của người dân địa phương phần lớn phụ thuộc vào rừng nhưng nay đường vào rừng bị cắt khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, phải tìm nghề khác mưu sinh. Đầu tháng 10-2017, xã đã có buổi làm việc với đại diện dự án thủy điện và họ cho biết sẽ làm lại tuyến đường vào giữa tháng 10 nhưng đến nay đã đầu tháng 12 vẫn không thấy động tĩnh gì. Nếu sắp tới đơn vị chủ đầu tư không thực hiện cam kết thì xã sẽ chặn đường không cho xe cơ giới chở vật liệu vào thi công dự án thủy điện nữa”, ông Khởi khẳng định.

Tìm hiểu còn được biết, dù đã triển khai thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật trong thời gian khá dài nhưng theo lãnh đạo UBND xã Thượng Nhật, đến nay Công ty Thủy điện miền Trung chưa thực hiện kiểm đếm và áp giá đền bù tài sản trên đất của 501 hộ dân thuộc khu vực lòng hồ thủy điện dù chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở. 

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, sau khi nắm được sự việc dự án thủy điện Thượng Nhật gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân trên địa bàn, UBND huyện đã gửi công văn đến Công ty Thủy điện miền Trung và yêu cầu công ty này sớm mở lại đường vào khu Cha Lai nhưng đến nay phía chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. 

“Tới đây, huyện sẽ có buổi làm việc với Công ty Thủy điện miền Trung và nếu công ty này tiếp tục chây ì không làm đường cho dân thì huyện sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để có biện pháp xử lý nhằm giúp người dân có đường đi vào khu rừng sản xuất trở lại”, ông Phụng nói.

Nhiều hộ dân ở xã Thượng Nhật không thể vào nơi sản xuất do đường bị đơn vị thi công thủy điện đào bới.
Anh Khoa
.
.
.