Tái diễn tình trạng làm giả giấy phép lái xe

Thứ Hai, 16/11/2015, 09:24
Trong quá trình chuyển đổi từ giấy phép lái xe giấy sang làm bằng nhựa, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng khẳng định là giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được bảo mật cao, rất khó làm giả. Thế nhưng, đến nay, tại một số tỉnh, thành, phôi, giấy phép lái xe giả bằng vật liệu PET đã vừa được phát hiện…



Nhiều giấy phép lái xe giả mẫu mới    

Ngày 13/11, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết: Sở này vừa tiếp nhận một giấy phép lái xe (GPLX) hạng D giả bằng vật liệu PET, do Bến xe khách Đà Nẵng phát hiện. Ông Nguyễn Hữu Quế cho hay, vừa qua, trong quá trình kiểm tra việc xuất trình thủ tục ra vào cổng, Bến xe khách Đà Nẵng đã phát hiện GPLX giả bằng vật liệu PET, mang tên Huỳnh Hoàng Phi (25 tuổi, trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prong, Gia Lai). 

Sau khi phát hiện GPLX này có nhiều dấu hiệu bị làm giả, đại diện Bến xe khách Đà Nẵng đã điện báo cho Sở GTVT tỉnh Gia Lai để tra cứu, rà soát. “Sau khi tra cứu, chúng tôi phát hiện ngay GPLX này không có dữ liệu trong hồ sơ lưu của Sở. Chúng tôi đã yêu cầu thu giữ GPLX giả này để nghiên cứu, sau đó sẽ chuyển cơ quan điều tra làm rõ”, ông Quế thông tin.

Theo ông Quế, đây là trường hợp đầu tiên Sở GTVT tỉnh Gia Lai phát hiện GPLX giả bằng vật liệu PET. Qua nghiên cứu sơ bộ, bằng lái xe này có chữ ký của chính ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai. Qua so sánh giữa GPLX thật và giả đều giống nhau như đúc. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ có thể phát hiện nhiều chi tiết làm giả một cách tinh vi.

Nếu kiểm tra không kỹ thì khó mà phát hiện, đặc biệt vào ban đêm. "Có nhiều trường hợp tài xế sử dụng cả 2 loại GPLX thật và giả. Khi lưu thông trên đường, lái xe vi phạm bị thu giữ GPLX có thể sử dụng GPLX giả “dự phòng” này để lừa cơ quan chức năng.Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển GPLX giả này cho cơ quan chức năng điều tra. Có thể nó được làm bởi một đường dây mua bán, sản xuất GPLX giả với số lượng lớn bằng công nghệ tinh vi”, ông Quế cho biết thêm.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin từ các địa phương về việc một số đối tượng đã làm giả GPLX theo mẫu mới bằng nhựa PVC. Cụ thể, Thanh tra giao thông Sở GTVT Bình Thuận vừa phát hiện 2 trường hợp làm giả GPLX theo mẫu mới bằng nhựa PVC.

Người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hai tài xế bị phát hiện sử dụng GPLX giả là Bùi Quốc Công (trú xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) và Trần Văn Thuận (trú Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Chiếc GPLX của tài xế Công được giả chữ ký của ông Lê Trọng Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình (ký ngày 24/10/2013). Còn GPLX của tài xế Thuận được giả chữ ký của ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh (ký ngày 14/10/2013).

Giấy phép lái xe thật được bảo mật ở 3 cấp độ

Ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ thông tin: GPLX bằng nhựa PET có hoa văn màu vàng rơm, kích thước 85x53mm, có nội dung như họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạn sử dụng, hạng lái xe... bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Về cơ bản GPLX giả và thật là rất giống nhau, người dân rất khó phân biệt, nhưng đối với cơ quan chức năng sẽ nhận biết được ngay.

Ông Quyền cho hay, ngoài việc sử dụng công nghệ chống làm giả truyền thống, GPLX mới còn được áp dụng công nghệ Hologram công nghệ mới (3D-chỉ phát sáng dưới đèn tia cực tím) và công nghệ IPI (mã hóa). GPLX giả cũng được in hình người lái theo công nghệ số hóa. Để phân biệt GPLX giả và thật cần căn cứ vào các đặc điểm sau: GPLX giả thường có màu đậm hoặc nhạt hơn so với GPLX thật. Các vị trí chống giả trên GPLX giả không phản quang phát sáng như GPLX thật.

"GPLX thật được bảo mật ở 3 mức độ, tùy thuộc vào cấp độ quản lý nhà nước mà chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về việc phân biệt GPLX thật, giả. Ở cấp độ 1, người dân có thể tra cứu tại website: www.GPLX.gov.vn sau đó nhập số GPLX vào đó, nếu là GPLX thật sẽ hiển thị cửa sổ với các thông tin cơ bản như họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, ngày cấp và hạng. Nếu là GPLX giả sẽ không hiển thị các thông số trên" - ông Quyền nói.

Để giúp các cơ quan dễ dàng phân biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã trao hơn 1.000 bộ kính giải mã cho Cục CSGT đường bộ đường sắt; đồng thời tập huấn cách kiểm tra thật, giả cho CSGT 63 tỉnh, thành trên cả nước. Từ chiếc kính giải mã, CSGT sẽ dễ dàng nhận ra hình ảnh và thông tin ẩn sau tấm ảnh trên GPLX.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cảnh báo, để tránh bị các đối tượng "cò mồi" lợi dụng lừa làm GPLX giả, người dân nên đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp tại các cơ sở, thuộc các Sở GTVT trên cả nước và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ngoài ra, khi nghi vấn về GPLX giả thì cần vào www.GPLX.gov.vn để tra cứu.

Trước đó, vào ngày 28/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hà Đông bắt giữ 8 đối tượng “cò mồi” có hành vi mời chào, lôi kéo khách làm thủ tục cấp, đổi GPLX gây mất trật tự công cộng tại khu vực trước cổng Sở GTVT Hà Nội, số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông. 

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, từ đầu tháng 10 đến nay, thường xuyên ra khu vực trước cổng Sở GTVT Hà Nội để mời chào, lôi kéo khách làm thủ tục cấp, đổi GPLX. Sau khi chèo kéo được khách, các đối tượng “cò” sẽ viết hộ khách nội dung vào tờ khai xin cấp, đổi GPLX, rồi dẫn khách đi chụp ảnh, photocopy các giấy tờ có liên quan và chỉ dẫn khách vào các phòng trong Sở GTVT làm thủ tục. Giá cả do “cò” và khách thỏa thuận từ 200 - 300 nghìn đồng/trường hợp.

Đặng Nhật
.
.
.