Sống thấp thỏm ở vùng "ông trời" dọa nạt

Thứ Sáu, 25/12/2015, 08:25
Chỉ trong thời gian ngắn, tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đã liên tục xảy ra động đất với cường độ lớn, nhỏ khác nhau. Trong khi chính quyền địa phương phải chờ các kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động chuyên môn thì hàng trăm hộ dân ở vùng miền núi nơi đây phải sống thấp thỏm, vì lo động đất với những tai họa như từ trên trời...


Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ tháng 5-2014 đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới và khu vực phía Tây thị xã Hương Trà, đoạn tiếp giáp với A Lưới đã xảy ra khoảng 15 trận động đất lớn, nhỏ. Đặc biệt, chỉ tính trong tháng 12-2015, tại huyện A Lưới ghi nhận có đến 5 trận động đất với cường độ từ 2,7 đến 3,4 độ richter. Gần đây nhất, vào tối 22-12, một trận động đất 3,4 độ richter đã gây rung chấn mạnh nhiều vùng của huyện A Lưới.

Sau trận động đất này, chúng tôi tìm đến xã Nhâm, nơi có công trình thủy điện A Lưới, ông Nguyễn Văn Triền, trưởng thôn A Bả, cho biết: “Trước đây cả thôn sinh sống dưới khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới nhưng chưa bao giờ thấy động đất. Thế nhưng kể từ khi di dời lên khu tái định cư này thì liên tiếp có động đất xảy ra nên bà con trong thôn rất hoang mang. Nguyên nhân là do phần lớn nhà của người dân được xây dựng tạm bợ bằng gỗ, lợp mái tôn nên khi có động đất thì nguy cơ đổ sập rất lớn”. 

Người dân ở xã Nhâm, huyện A Lưới, lo lắng khi trên địa bàn liên tục có động đất.

Theo ông Triền, trận động đất xảy ra vào tối 22-12 đã gây rung chấn mạnh. Nhiều người dân lo sợ nhà bị sập nên phải tháo chạy ra đứng ở sân nhà văn hóa cộng đồng của thôn.

Tại các xã Hồng Hạ, Hồng Tiến, Hồng Thượng (A Lưới), nhiều hộ dân cũng bày tỏ sự lo lắng khi động đất xuất hiện ngày mỗi nhiều, nhất là trong thời gian cuối năm 2015. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, bày tỏ: “Do động đất xuất hiện với cường độ dày nên tâm lý người dân trên địa bàn có phần bất an. Vì thế, trong khi chờ kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thì huyện chỉ còn có cách trấn an để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất”.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế: Hiện ở tỉnh chỉ mới có 1 trạm địa chấn quốc gia đặt ở TP Huế nên rất thiếu trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật để đo động đất ở khu vực A Lưới. Hầu hết các trận động đất vừa xảy ra thì được các cơ quan chức năng thông báo cho địa phương sau khi xảy ra chứ chưa có một nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào.

Ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư huyện A Lưới, lo lắng: “Từ khi công trình hồ thủy điện A Lưới được xây dựng trên sông A Sáp đi vào hoạt động với dung tích hồ chứa 60 triệu m³ thì động đất liên tục xảy ra. Hiện huyện đã đề xuất Sở KH&CN báo cáo Bộ KH&CN để có chương trình nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân động đất nhằm giúp địa phương có phương án chủ động đối phó”.

Anh Khoa
.
.
.