Sông lở, làng trôi vì khai thác cát bừa bãi

Thứ Tư, 29/11/2017, 18:01
Trong những năm gần đây, nhiều người dân sinh sống ở bên các con sông Hà Tĩnh như sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông La, sông Lam… luôn trong trạng thái thấp thỏm sợ sông lở, làng trôi. Bên cạnh sự biến đổi khí hậu thì nguyên nhân chính là do nạn khai thác cát bừa bãi.

Hàng loạt điểm khai thác cát trái phép mọc lên san sát trên dọc các tuyến sông. Chế tài chưa đủ mạnh, việc cấp mỏ khai thác chưa hợp lý đã góp phần “giết chết” dòng chảy tự nhiên của các dòng sông.

Tiếng gầm từ dòng sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu

Kéo dài chỉ vài ba kilômét từ xã Sơn Ninh đến xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, chúng tôi đã đếm được gần chục điểm khai thác cát “rút ruột” dòng sông này. Tiếng máy hút cát, tiếng xe tải chở cát gầm rú suốt ngày đêm từ lòng sông, từ bến bờ nghe đinh tai nhức óc, song có điều lạ cơ quan chức năng địa phương lại hầu như không nghe thấy. Khi trông thấy chúng tôi, một người đàn ông cảnh giác lấy điện thoại ra gọi cho ai đó, và chỉ vài phút sau, những tiếng động cơ máy hút cát lặng im, và những chiếc xe chở cát quay đầu chạy vào những ngôi làng mất hút sau các rặng tre.

Theo quốc lộ 8, chúng tôi đến bờ sông xã Sơn Diệm và chứng kiến ngay giữa lòng sông một “đại công trường” khai thác cát mọc lên giữa lòng sông. Hệ thống máy hút được lắp đặt kiên cố, mỗi lần xe tải chở cát đến thì vòi rồng từ máy hút đổ trực tiếp vào xe để rút ngắn công đoạn “hủy hoại” lòng sông.

Gần phía bên kia bờ sông, những chiếc máy hút cát và vòi rồng cũng đang chực chờ để đưa cát lên bờ… Sông Ngàn Phố đang oằn mình gánh hàng loạt điểm khai thác cát trái phép.

Rời dòng sông Ngàn Phố chúng tôi tìm về sông Ngàn Sâu huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Hàng loạt điểm khai thác cát tàn phá dòng sông này cũng đang mọc lên như nấm và hoạt động suốt ngày đêm. Ngay tại vùng rốn lũ xã Hà Linh, Hương Khê, vẻ im lìm của ban ngày lại được đánh thức bằng tiếng động cơ về ban đêm của các điểm khai thác cát.

Một người dân cười nói với chúng tôi: “Ở đây các điểm khai thác cát trái phép họ thực hiện phương châm: ngủ ngày cày đêm. Có nghĩa là ban ngày thì tắt máy, nghỉ ngơi lấy sức để về đêm thì thức trắng khai thác cát”.

Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê, thừa nhận, hiện trên địa bàn xã Hà Linh có 5 địa điểm khai thác cát trái phép. Và cơ quan chức năng của huyện đang xây dựng kế hoạch để dẹp bỏ các điểm khai thác cát trái phép đó. Cũng theo ông Lập, từ năm 2015 đến 2016, lực lượng liên ngành huyện Hương Khê đã phá dỡ được 7 điểm hút cát trái phép trên địa bàn xã Hà Linh, thu giữ một thuyền hút cát trái phép, xử phạt được hơn 60 triệu đồng.

Thượng tá Phan Tố Hải, Phó Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết, đơn vị đã nhiều lần ra quân xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên mỗi lần xử lý xong, lực lượng Công an rút về các đối tượng khai thác cát trái phép quay lại lén lút hoạt động.

Theo Công an huyện Hương Sơn, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 4 vụ khai thác cát trái phép. Trong quá trình tìm hiểu thực tế việc khai thác cát trái phép diễn rà ồ ạt trên các dòng sông ở Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh việc cấp mỏ chưa hợp lý, nhu cầu về cát xây dựng ngày càng cao của địa phương thì chính chế tài chưa đủ mạnh đã tạo cho các chủ khai thác cát chấp nhận chịu phạt để khai thác trái phép. 

Nhiều đoạn sông đã sạt lở nghiêm trọng đe dọa cuộc sống của người dân.

Nỗi lo sông lở, làng trôi

Những năm gần đây, nhiều người dân sinh sống ở Bãi Soi thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh lại phải tìm cách rời làng đi tìm chỗ khác định cư vì diện tích của làng ngày một thu hẹp dần. Ngôi làng ở sông La này đang ngày đêm phải chống chọi với sự sạt lở do nạn khai thác cát, sạn. Từ một ngôi làng trù phú với gần cả trăm hộ dân kéo dài vài kilômét, giờ Bãi Soi chỉ còn lại chưa đầy 20 hộ dân.

Cụ Trần Đình Yên (84 tuổi), người cả đời gắn với Bãi Soi ngậm ngùi: Làng nào cũng tăng dân số, chỉ có Bãi Soi là giảm và đang có nguy cơ xóa mất làng. Sau mỗi năm, diện tích đất của làng lại bị sạt lở cuốn trôi, nhiều tài sản của bà con như nhà cửa, hoa màu, ruộng vườn đều bị “hà bá” cướp đi. Nguyên nhân chính là do khai thác cát, sạn bừa bãi, làm lòng sông sâu hơn, bị hút hết cát nên nước chảy làm lở đất để bồi đắp dòng chảy.

Nhiều người làng ở Bãi Soi cho biết, vào lúc cao điểm, trên dòng sông cạnh Bãi Soi có hàng chục sà lan thi nhau hút cát, sạn trái phép. Các chủ “mỏ” còn thuê người canh gác cẩn mật từ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để khi thấy lực lượng chức năng ra quân là điện báo để các sà lan khai thác cát trái phép rời hiện trường.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: “Việc khai thác cát trái phép đưa lại lợi nhuận cao nên các đối tượng rất liều lĩnh và manh động. Có những lúc chúng huy động đến 4 chiếc thuyền để làm nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ cho một chiếc sà lan hút cát. Chính vì thế, mỗi lần lực lượng chức năng của xã xuất hiện để trấn áp, đẩy đuổi chúng không sợ, mà còn sẵn sàng chống trả.

Tuy nhiên, với những người dân sống tại Bãi Soi, họ rất can đảm, không cam tâm đứng nhìn ngôi làng của mình bị “cát tặc” tàn phá. Họ đã bất chấp những lời đe dọa từ các đối tượng hút trộm cát, thường xuyên phản ánh, kiến nghị lên chính quyền các cấp với mong muốn ngăn chặn tình trạng đó lại để bảo vệ làng”.

Rời Bãi Soi, chúng tôi ngược lên Hương Khê, Hương Sơn, Hà Tĩnh, nơi có nhiều ngôi làng người dân cũng đang thấp thỏm lo đất lở, làng trôi bên cạnh các bờ sông. Theo quy luật tự nhiên dòng chảy của các con sông luôn bên lở bên bồi, song do khai thác cát, sạn bừa bãi làm thay đổi dòng chảy các con sông, nên hiện nay nhiều đoạn sông ở sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, cả hai bên bờ sông đều sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều hộ gia đình sinh sống bao đời nay bên các bờ sông đang phải vật lộn đối phó kiểu “sông lở đến đâu di chuyển vào sâu đến đến đó”, đến khi sông “nuốt” mất vườn, mất nhà mới tìm cách chuyển đi, song không phải hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện để di chuyển nên hiểm nguy luôn rình rập là vậy.

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.