Sống khổ bên khu đô thị cao cấp

Thứ Tư, 05/07/2017, 10:06
Bên cạnh những tòa cao ốc thuộc khu đô thị mới Cát Lái, phường Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh với đầy đủ tiện nghi là những mái nhà nghèo đơn sơ được lợp tôn tạm bợ. Đã hơn 10 năm rồi nằm trong khu vực quy hoạch nhưng người dân “xóm nhà lá” vẫn chưa được đền bù để ổn định cuộc sống, một lời đối thoại cũng chẳng có.

Khu đô thị mới Cát Lái (đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2) được quy hoạch vào năm 2006 với diện tích 153ha, quy mô dân số dự tính trên 25.000 người. Hiện các căn hộ thương mại cao cấp, dãy nhà phố trị giá tiền tỷ như Citihome, Citibella, Phố đông, Ventura... đã được xây dựng, thu nhiều người dân về đây sinh sống.

Đứng trên các căn hộ cao tầng ấy, dễ dàng nhìn thấy những mái nhà bằng tôn, lúp xúp bên bãi lau sậy và bãi cỏ tranh. Hơn 10 năm qua, 17 hộ dân ở tổ 40, KP3, phường Cát Lái phải sống trong tình cảnh ngập lụt, đi không được nhưng ở lại… bất an.

Qua đoạn đường rải nhựa bóng đẹp, rẽ vào con đường đất nhỏ, ngập ngụa bùn đất, phân bò, chúng tôi tìm tới nơi ở của 17 hộ dân. Đứng bên cạnh căn nhà cấp 4 nhỏ bé, củ kỹ, chị Lê Thị Lộc (39 tuổi) than thở: “Dự án quy hoạch hơn 10 năm nay, vậy mà chưa thấy bóng dáng chủ đầu tư xuống đối thoại với dân để có phương án đền bù, giải tỏa. Cũng chừng đó thời gian, gia đình phải sống cảnh vất vả vì thiếu thốn, điện nước phải xin “câu” nhờ nhà hàng xóm”.

Chỉ một trận mưa đầu mùa, nước từ dự án đổ về khiến các em nhỏ trong xóm phải bì bõm lội nước ngập đến trường. Cây cối, lau lách um tùm che khuất lối đi, muỗi mòng, rắn rết, “đặc sản” kiến ba khoang bò vào nhà dân ngay giữa ban ngày. “Mấy năm trước ngập nặng hơn năm nay. Chủ đầu tư dự án làm đường lấp kênh rạch, nước dâng cao quá đầu gối. Quá khổ, 17 hộ dân làm đơn, ký tên gửi lên cầu cứu UBND phường. Sau đó chủ đầu tư mới chịu thuê máy móc khơi thông con rạch”, chị Lộc kể.

Nhà cửa lụp sụp muốn xây sửa cũng không được.

Chị Lộc cho hay, cũng như 17 hộ khác, chị hơn 10 lần làm đơn kiến nghị gửi lên UBND phường xin cấp điện nước cho gia đình sử dụng mà vẫn không được. Căn nhà của vợ chồng chị xuống cấp muốn sửa chữa, xây dựng mới cũng không thể vì nằm trong khu quy hoạch. Khi mẹ chồng chị bị bệnh nặng, lại gặp lúc anh chị chuẩn bị sinh con nên vợ chồng chị đành “đánh quả liều” đợi đến ngày cận tết mua xi măng, vôi vữa về tô trát lại.

Nhưng đáng nói nhất, hậu quả của việc chậm giải tỏa, di dời là gia đình chị không có hộ khẩu tại nơi ở để nhập học cho con. Chị phải đưa con gái đến ở nhà bà ngoại ở phường Bình Trưng Đông, quận 2 để xin nhập học. Cầm cuốn sổ tạm trú, tạm vắng trên tay, chị Lộc buồn bã nói: “Người dân mong muốn chủ đầu tư dự án sớm gặp dân để ra giá tiền đền bù hợp lý. Nếu giá được thì người dân sẽ hợp tác để tìm nơi ở mới, chứ thật tình không muốn ở lại đây sống khổ làm gì”.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị T. (46 tuổi) cho hay: “Từ khi có quy hoạch, UBND phường thông tin dự án đã đổi chủ đầu tư vài lần. Tôi và 17 hộ dân khác mong mỏi chính quyền hối thúc chủ đầu tư họp dân lại để thống nhất giá đất đền bù”.

Tuy nhiên, chị T và bà con chờ đợi mỏi mòn năm này sang năm khác mà vẫn chưa thấy động thái gì. Nhà cửa xuống cấp, xập xệ muốn sửa chữa, cơi nới rộng ra cũng không được, lắm lúc định làm liều thì bị cán bộ phòng Quản lý đô thị xuống hỏi thăm. Đến nay, gia đình chị T. gồm năm người vẫn sống tạm bợ, nóng bức trong căn nhà cấp 4. Lập nghiệp Sài Gòn ngót nghét 20 năm mà hộ khẩu gia đình chị vẫn ở ngoài... Thanh Hóa.

Đáng thương nhất vẫn là trẻ em trong xóm, chúng nô đùa dưới những mái nhà lợp tôn cũ nát, bên bãi lau sậy um tùm. Còn phía bên kia không xa là khu đô thị mới với những căn nhà tiền tỷ, có hồ bơi, sân bóng, rạp chiếu phim lung linh ánh đèn màu.

Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch UBND quận 2 - ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, thông thường khi có chủ trương làm dự án, giữa chủ đầu tư và người dân sẽ thỏa thuận với nhau giá tiền đền bù, giải tỏa. Nếu thắc mắc về giá tiền đền bù, người dân nên gửi đơn kiến nghị lên bộ phận tiếp công dân của UBND quận để biết chính xác phần đất của họ thuộc dự án nào.

Qua xác minh, tìm hiểu, nếu trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư thì UBND quận 2 sẽ có văn bản mời họ lên làm việc.

Bùi Thanh
.
.
.