Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng:

Sai phạm nhiều nhưng chưa ai bị xử lý!

Thứ Tư, 21/11/2018, 07:10
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có kết luận thanh tra về Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do Ban QLDA Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư. Theo đó, dự án có mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng và mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa cá nhân, tập thể nào bị xử lý.


Theo kết luận thanh tra, Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, nhưng mục tiêu để tăng tốc độ chạy tàu lại không đạt được do quá nhiều sai sót trong quá trình thực hiện.

Dự án này từ tháng 2-2005 đến tháng 9-2014 được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý (QL) các dự án đường sắt, và từ 2014 đến nay chủ đầu tư là Bộ GTVT, và Ban QL các dự án đường sắt đã sáp nhập, trở thành Ban QLDA Đường sắt trực thuộc Bộ GTVT.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án sau điều chỉnh là 3.479 tỷ đồng, trong đó vốn từ Ngân sách Trung ương là gần 345 tỷ đồng, vốn vay xấp xỉ 150 triệu USD. Dự án được hoàn thành toàn bộ và đưa vào vận hành, khai thác vào năm 2015.

Mặc dù là một dự án lớn, vốn đầu tư nhiều, nhưng từ khâu kế hoạch đấu thầu đã mắc sai sót. Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong kế hoạch đấu thầu, việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có đủ cơ sở pháp lý. Thậm chí, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn phớt lờ thẩm định của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, tham mưu cho Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu gói thầu vận chuyển ray, ghi (Gói thầu RT).

Chính sự sai sót ở khâu này đã khiến khi dự án hoàn thành còn dư thừa khối lượng lớn vật tư, gây lãng phí như thừa 5.800 tấn ray P50, 4.800 bộ lập lách… Giá trị ray, ghi còn lại chưa sử dụng có nguyên giá là xấp xỉ 60 tỷ đồng, và phải tổ chức trông coi, bảo quản với chi phí đến thời điểm thanh tra (tháng 8-2017) là hơn 7 tỷ đồng.

Mắc nhiều sai phạm ở hầu hết các khâu của dự án nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý. Ảnh: Ngô Vĩnh 

Khâu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cũng có sai sót, khi việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu khi chưa có dự toán xây lắp dược duyệt. Đáng nói, mục tiêu của dự án hơn 3.400 tỷ đồng này đưa ra, là tăng mức độ chạy tàu để rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt là tàu khách khoảng 70 phút. Tuy nhiên, kết luận thanh tra đưa ra, do những sai sót trong khâu khảo sát, thiết kế đã khiến dự án khó đạt được mục tiêu giảm thời gian chạy tàu.

Một số sai sót nghiêm trọng cũng được thanh tra chỉ ra, như tại gói thầu CP1, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công đã thiết kế cao độ đỉnh ray đường sắt tại vị trí đường ngang Km47+274 được nâng cao 17cm so với hiện trạng ban đầu là không hợp lý, gây khó khăn và mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đường ngang, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.

Việc này đã khiến phải sửa chữa mặt đường ngang để phù hợp với cao độ đỉnh ray đã được duyệt, làm tăng giá trị gói thầu thêm gần 1,1 tỷ đồng. Gói thầu CP3 cũng phát sinh hơn 2 tỷ đồng, gói thầu CP5 cũng phát sinh 141 triệu đồng đều do công tác thiết kế có vấn đề.

Điểm đáng lưu ý nhất tại bản Kết luận thanh tra của Bộ GTVT về dự án này là công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán tại tất cả các gói thầu đều tính chưa đúng quy định. Gói thầu nào cũng vênh hàng chục tỷ đồng, như gói CP1 chênh gần 24 tỷ đồng, trong đó giá trị tính toán chưa đúng quy định hơn 9 tỷ đồng; gói thầu CP2 tăng xấp xỉ 100 tỷ đồng, trong đó giá trị dự toán tính chưa đúng quy định gần 29 tỷ đồng; gói thầu CP3 tăng so với giá trị được duyệt gần 51 tỷ đồng, trong đó giá trị dự toán chưa đúng quy định là hơn 37 tỷ đồng… Trách nhiệm này được Thanh tra chỉ ra, thuộc về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Ban QLDA Đường sắt và các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.

Cũng theo kết luận thanh tra, ngay ở khâu thực hiện hợp đồng, đối với gói thầu xây lắp, sau khi trúng thầu, nhà thầu chính ký hợp đồng thuê các nhà thầu phụ thực hiện khối lượng công việc, VNR và Ban QLDA Đường sắt đã chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ này nhưng không có đánh giá năng lực, kinh nghiệm.

Nhưng, danh sách các nhà thầu phụ được chủ đầu tư chấp thuận triển khai khối lượng công việc chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 10-30% giá trị các gói thầu. Như vậy, có thể hiểu, Ban QLDA Đường sắt đã “lờ” cho việc các nhà thầu bán thầu, hưởng chênh lệch giá trị gói thầu. Việc thực hiện phần lớn khối lượng công việc của dự án không có đơn vị nào giám sát về chất lượng.

Đối với gói thầu RP- cung cấp ray ghi, chủ đầu tư đã có đến 7 đoàn sang kiểm tra tại nhà máy sản xuất, trong khi số lần thỏa thuận là 5, và chỉ có 3 đoàn báo cáo kết quả kiểm tra. Một số cá nhân không đúng thành phần kiểm tra cũng tham gia như ông Lê Huy Du, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Thương mại tổng hợp; ông Nguyễn Hoàng Luật, chuyên viên chính, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Công tác nghiệm thu thanh toán cũng được chỉ ra với nhiều sai sót. Cụ thể như, gói thầu RT được Ban QLDA Đường sắt nghiệm thu thanh toán cho Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Thương mại tổng hợp giá trị hơn 47,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác nghiệm thu thanh toán thực hiện không đúng như thiếu chứng từ…

Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Đường sắt phải rà soát, kiểm tra lại việc lập, duyệt dự toán chưa đúng quy định là hơn 75 tỷ đồng; kiểm tra lại việc lập dự toán với giá trị dự toán duyệt chưa đủ cơ sở là hơn 101 tỷ đồng;… Ngoài việc xử lý tài chính, thanh tra Bộ GTVT cũng đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt  tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn tại, sai sót nêu trên.

Ngọc Yến
.
.
.