Viết tiếp bài “ĐH Điện lực tuyển sinh vượt 34.270 chỉ tiêu”

Thứ Năm, 17/11/2016, 08:07
Báo CAND ra ngày 15-11 có bài “ĐH Điện lực tuyển sinh vượt 34.270 chỉ tiêu và nhiều sai phạm nghiêm trọng”, đã phản ánh những sai phạm của nhà trường trong tuyển sinh, quản lý đào tạo, thu chi tài chính, sử dụng phôi bằng trong một thời gian dài. Điều này cho thấy một cung cách quản lý, đào tạo tùy tiện, coi thường kỷ luật, kỷ cương của ĐH Điện lực, bất chấp những quy chế, quy định đã ban hành. Vì sao một trường ĐH ngay giữa Thủ đô lại có nhiều sai phạm lớn như vậy?


Sai phạm của ĐH Điện lực được Thanh tra Bộ Công Thương làm rõ, trong đó có việc tuyển sinh vượt hơn 34.270 chỉ tiêu. Do chỉ tiêu đầu vào “phình quá to” nên nhà trường không đủ lượng phôi bằng để cấp cho sinh viên.

Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp, tại thời điểm tiến hành thanh tra, trường còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015. Vậy sai phạm này từ đâu và do ai “tiếp tay”? Bộ Công Thương chỉ rõ, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Ban Giám hiệu, trong đó chịu trách nhiệm trực tiếp là hiệu trưởng, tiếp đến là các phó hiệu trưởng.

Theo quy định, hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của ĐH Điện lực, nhưng hiệu trưởng đã thiếu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý tài chính; trực tiếp phê duyệt, giao cho các đơn vị là đầu mối quản lý đào tạo và ký các hợp đồng liên kết đào tạo không đảm bảo điều kiện, thiếu kiểm soát.

Hiệu trưởng ĐH Điện lực còn ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo và sau đó lại ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường quản lý các lớp học, theo dõi thực hiện hợp đồng trong khi hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng quản lý, chủ tài khoản của Trung tâm là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.

Đại học Điện lực, nơi đang xảy ra nhiều sai phạm gây bức xúc.

Mặt khác, hiệu trưởng ĐH Điện lực báo cáo sai lệch về số liệu quy mô đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất để xác định chỉ tiêu tuyển sinh không trung thực theo quy định của Bộ GD & ĐT. Đối với các phó hiệu trưởng, Bộ Công Thương cho hay, các phó hiệu trưởng chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; tại một số biên bản làm việc với các đoàn kiểm tra, giám sát không có ý kiến; chưa làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cá nhân, đơn vị thuộc quyền quản lý để phát hiện, ngăn chặn và xử lý sai phạm.

Bên cạnh đó, “tiếp tay” cho sai phạm có “hệ thống” của ĐH Điện lực còn có sự tham gia của một số phòng, khoa, trung tâm, trong đó có Phòng Đào tạo.

Phòng Đào tạo của ĐH Điện lực đã trình hiệu trưởng ký thông báo tuyển sinh có một số nội dung không thông qua hội đồng tuyển sinh. Thiếu kiểm tra, rà soát hồ sơ tuyển sinh đối với hệ liên thông, liên kết, chỉ dựa vào danh sách do các đơn vị đầu mối được giao quản lý đào tạo cung cấp để trình hiệu trưởng thành lập hội đồng tuyển sinh, dẫn đến nhiều hồ sơ tuyển sinh không đủ điều kiện vẫn được dự thi và trúng tuyển vào trường.

Phòng Đào tạo còn thiếu trách nhiệm trong vai trò thường trực hội đồng tuyển sinh làm công tác tham mưu cho hiệu trưởng khi tuyển sinh từ cao đẳng nghề liên thông lên đại học, khi chưa được phép của Bộ GD&ĐT. Phòng Đào tạo là đơn vị tham mưu, giúp việc cho chủ tịch hội đồng tuyển sinh nhưng lại trực tiếp làm đầu mối tổ chức xét tuyển sai quy chế đối với 1.699 học sinh tuyển sinh dưới điểm công bố; đồng thời thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, dẫn đến không có số liệu chính xác về số lượng trúng tuyển, số lượng đang đào tạo, số lượng đơn vị liên kết và chất lượng đào tạo của hoạt động đào tạo liên thông, liên kết.

Bộ Công Thương còn xác định, Phòng Đào tạo của ĐH Điện lực còn tổ chức đào tạo 169 lớp đào tạo theo hình thức liên thông khi chưa có hợp đồng với đơn vị phối hợp đào tạo.

Đặc biệt 104 lớp đào tạo liên thông do Phòng Đào tạo trực tiếp quản lý không được hiệu trưởng phê duyệt, nhưng vẫn tổ chức liên kết đào tạo, là vi phạm quy định trong công tác quản lý đào tạo và tài chính. Chưa thực hiện quyết toán kinh phí đào tạo và học phí của các lớp do mình quản lý đã tổ chức thi tốt nghiệp.

Tổ chức đào tạo 644 học sinh chuyển đổi bổ sung kiến thức và thu về số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, từ năm 2011, 2012 nhưng chưa nộp về trường. Phòng Đào tạo còn tổng hợp, trình hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng ký các báo cáo số liệu đào tạo thiếu trung thực…

Ngoài Phòng Đào tạo, Bộ Công Thương còn chỉ rõ sai phạm của Phòng Kế hoạch – Tài chính: giám sát thu chi tài chính chưa chặt chẽ, chứng từ thanh toán một số khoản chi phí chưa đảm bảo theo quy định. Với Phòng Công tác chính trị và quản lý người học thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ sinh viên đối với các lớp liên kết liên thông, dẫn đến không có hoặc thất lạc hồ sơ sinh viên.

Không đối chiếu văn bằng chứng chỉ gốc của học viên với hồ sơ nhập học của các lớp đào tạo liên kết. Bộ Công Thương cũng đã làm rõ sai phạm của Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Khoa Đào tạo sau đại học và một số phòng khoa, trung tâm liên quan, là đơn vị đầu mối quản lý đào tạo và quản lý viên chức…

Trước những sai phạm trên, Bộ Công Thương yêu cầu ĐH Điện lực khẩn trương tiến hành công tác rà soát, đối chiếu, thanh, quyết toán tài chính đối với các đơn vị đầu mối quản lý liên kết đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, tổng số tiền phải xử lý là hơn 42 tỷ đồng, trong đó: Thu hồi về trường số tiền gần 25 tỷ đồng từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường; thu hồi về trường số tiền hơn 2,5 tỷ đồng từ Phòng Đào tạo do tổ chức đào tạo 644 học sinh học bổ sung kiến thức; thu hồi về trường số tiền hơn 3 tỷ của các lớp đã tốt nghiệp nhưng chưa nộp đủ học phí từ các đơn vị; thu hồi các khoản chi không hợp pháp do không có chứng từ…

Về các khoản tài chính tiếp tục phải rà soát, xác định và thu hồi, Bộ Công Thương yêu cầu nhà trường tiếp tục thu hồi số lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp và quyết toán chi phí thực tế theo quy định của pháp luật của Phòng Đào tạo, Khoa Đào tạo sau đại học, Trung tâm Đào tạo thường xuyên và các đơn vị có liên quan…

Bộ Công Thương còn yêu cầu ĐH Điện lực báo cáo cơ quan có thẩm quyền về phương án xử lý số tiền hơn 47 tỷ đồng thu được do tuyển sinh 1.699 sinh viên “đào tạo theo địa chỉ” và “đào tạo theo nhu cầu xã hội”.

Việc xử lý hậu quả sai phạm của ĐH Điện lực còn dài, tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm quản lý nhà nước của một số cơ quan quản lý trường này ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như vậy?

Nhóm PV điều tra
.
.
.