Thông tin thêm về những bất thường “khu đất vàng” nghìn tỷ ở TP Vũng Tàu:

Rắc rối từ việc chính quyền tạm ứng 2,5 tỷ đồng của nhà đầu tư?

Thứ Năm, 02/04/2020, 09:50
Tính ra mỗi tháng, Nhà nước chỉ thu được gần 17 triệu đồng tiền thuê đất cho khu đất vàng nghìn tỷ gần 13.000m2 (nằm giữa hai tuyến đường trung tâm TP Vũng Tàu). Nói đến chi tiết này để thấy rằng, sai phạm liên quan đến khu đất vàng là rất nghiêm trọng…

Nếu không có sự khiếu nại của người dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình thì “khu đất vàng” 12.862m² (nằm giữa hai tuyến đường trung tâm TP Vũng Tàu là Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Thống Nhất nối dài, thuộc phường 3, TP Vũng Tàu) đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho Công ty TNHH Vui chơi giải trí và du lịch Thái Dương (trụ sở đóng tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do ông Zeng Fan Yu làm đại diện pháp luật) thuê đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) Thái Dương với giá 10,24 tỷ đồng cho 50 năm.

Tính ra mỗi tháng, Nhà nước chỉ thu được gần 17 triệu đồng tiền thuê đất cho khu đất vàng nghìn tỷ gần 13.000m². Nói đến chi tiết này để thấy rằng, sai phạm liên quan đến khu đất vàng này là rất nghiêm trọng…

Như phản ánh trước đây của Báo CAND, cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đều khẳng định bà Trần Thị Hương và Nguyễn Thị Miều, hai hộ dân có đất nằm trong diện tích 12.862m² bị thu hồi xây dựng dự án TTTM Thái Dương phải được bồi thường giá trị đất mới đúng quy định của pháp luật. Do vậy, muốn thu hồi khu đất này thì Nhà nước phải đền bù thỏa đáng cho người dân để có được khu đất “sạch”, sau đó đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Đây cũng là ý kiến quyết liệt của bà Lê Thị Công (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) trước khi xin nghỉ việc. Ngoài ra, bà Công còn đề nghị thanh tra 4 dự án (trong đó có dự án TTTM Thái Dương) vì không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không để ý đến.

Vì muốn cho Công ty Thái Dương thuê với giá rẻ nên trước khi ban hành Quyết định số 3626/QĐ-UBND ngày 18/6/2006 về thu hồi diện tích đất nói trên để xây TTTM Thái Dương, ngày 14/4/2006, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản đồng ý tạm ứng trước của Công ty Thái Dương 2,5 tỷ đồng để chi trả cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Khu đất lên đến 12.862m² mà chỉ ứng có 2,5 tỷ đồng nên ngay từ đầu UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thể hiện rõ chủ trương là không bồi thường giá trị đất cho người dân. Mục đích càng thể hiện rõ hơn khi ngày 7/5/2007, Sở Tài chính tạm tính giá thuê đất cho Công ty Thái Dương trong 50 năm là 10,24 tỷ đồng!

Bỗng dưng bị tước đoạt quyền lợi, hai người dân có đất bị thu hồi là bà Trần Thị Hương và bà Nguyễn Thị Miều liên tục khiếu nại, khiếu kiện.

Tháng 5/2009, bà Hương, bà Miều gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Vũng Tàu và được thụ lý giải quyết. Lẽ ra phải chờ kết luận đúng sai của tòa án thì ngày 15/6/2009, UBND TP Vũng Tàu lại ban hành Văn bản số 1329/UBND-TB xác nhận đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB cho cả diện tích nói trên. Từ đó, ngày 29/7/2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới ban hành Quyết định số 2534/QĐ-UBND cho Công ty Thái Dương thuê xây TTTM trong thời hạn 49 năm.

Ngày 28/10/2009, UBND TP Vũng Tàu tiến hành bàn giao đất ngoài thực địa cho Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, do thời gian kéo dài, chính sách giá đất thay đổi, giá thuê từ 10,24 tỷ đồng tạm tính ban đầu lên khoảng 62 tỷ đồng rồi hơn 200 tỷ đồng nên Công ty Thái Dương nhiều lần yêu cầu tính toán lại giá thuê và liên tục thay đổi hình thức thuê từ trả 1 lần sang trả hàng năm và ngược lại.

Vị trí “khu đất vàng” nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đến khi thấy không thể chuyển biến được tình hình, Công ty Thái Dương chấp nhận đóng giá tiền thuê hơn 200 tỷ đồng nhưng đề nghị cho công ty được điều chỉnh dự án từ TTTM thành TTTM và căn hộ để bán.

Ngày 30/8/2017, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quyết định điều chỉnh công năng của dự án theo yêu cầu của Công ty Thái Dương với mật độ xây dựng tối đa 40%, 36 tầng + tối thiểu 2 tầng hầm. Thế nhưng dự án cũng không thể nào triển khai vì việc bồi thường cho bà Hương và Miều chưa thực hiện xong theo phán quyết của tòa thì không thể hoàn tất thủ tục đất đai để giao cho Công ty Thái Dương xây dựng dự án. Mặc khác, việc chuyển đổi công năng này rõ ràng mục đích sử dụng của khu đất đã thay đổi, chính sách về đất đai cũng đã khác trước đây nên dự án càng thêm rắc rối.

Khi đã nhận thấy bế tắc trong cách giải quyết, giữa năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo vướng mắc và xin ý kiến giải quyết.

Các công văn này hỏi rằng về khoản tiền mà UBND tỉnh đã tạm ứng của Công ty Thái Dương 2,5 tỷ đồng nay có phải trả lại cho công ty này và thu hồi quyết định cho thuê đất để tạo đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất như ý kiến của bà Lê Thị Công hay không?

Trường hợp tiếp tục thực hiện dự án và tiếp tục thực hiện quyết định cho thuê thì việc thay đổi công năng dự án, chuyển mục đích thành TTTM, căn hộ chung cư để bán thì phải được điều chỉnh trên toàn bộ dự án (12.862m²) thuộc đất ở theo quy định tại điều 49, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hay sao? Giá đất khi điều chỉnh công năng dự án sang đất ở như thế nào?

Ngày 10/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản phúc đáp UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ trả lời về phần chuyển đổi công năng từ TTTM sang TTTM và căn hộ để bán, đề nghị tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn chuyện có trả lại 2,5 tỷ đồng cho Công ty Thái Dương và thu hồi dự án hay không Bộ Tài nguyên và Môi trường không có ý kiến.

Theo một luận sư, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường không có ý kiến là xác đáng. “Bởi vì trong suốt quá trình hơn 10 năm trời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến việc giao đất cho Công ty Thái Dương thực hiện dự án mà không biết mình làm đúng hay sai là không thể chấp nhận được”, luật sư này nói.

Lẽ ra ngay từ đầu, trước khi giao dự án cho Công ty Thái Dương mà UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thông suốt các quy định của pháp luật về đất đai, xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện cho đúng pháp luật, thì đó là điều rất tốt. Còn đằng này, UBND tỉnh đã quyết định tất cả từ tạm ứng tiền 2,5 tỷ đồng đến giao dự án, quyết định giá thuê, chuyển đổi công năng…

Nay hỏi đúng hay sai thì chẳng khác nào thoái thác trách nhiệm của mình? Còn chuyện đúng hay sai cần phải được cơ quan chức năng thanh tra làm rõ như ý kiến của bà Lê Thị Công là phù hợp nhất. Bởi câu hỏi mà dư luận hết sức khó hiểu đặt ra và cần câu trả lời là tại sao chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lúc bấy giờ chấp nhận để Nhà nước thất thu, o ép không bồi thường giá trị đất cho người dân để mang “khu đất vàng” như cho không một doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài trong thời hạn 50 năm?

Năm 2013, bản án phúc thẩm của TAND Bà Rịa - Vũng Tàu có hiệu lực pháp luật, tuyên buộc UBND TP Vũng Tàu phải bồi thường giá trị đất cho bà Trần Thị Hương và bà Nguyễn Thị Miều nhưng mãi đến năm 2019, UBND TP Vũng Tàu mới thi hành án.

Tuy nhiên, UBND TP Vũng Tàu lại áp giá đền bù cho bà Hương, bà Miều là đất thuộc đường loại 1, vị trí 5 trong khi tất cả giấy tờ chứng minh đất bà Hương, bà Miều nằm ở đường loại 1, vị trí 1. Bà Hương, bà Miều không đồng ý và khởi kiện tại TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong các lần hòa giải gần đây, bà Hương đề nghị phải đền bù đúng vị trí, loại đất và được thỏa thuận với chủ đầu tư để thương lượng bồi thường theo giá thị trường.

Mã Hải
.
.
.