Rà soát, thu hồi nhiều dự án chậm triển khai

Thứ Sáu, 30/08/2019, 07:00
Suốt hơn 10 năm trôi qua, dự án Dự án khu du lịch nghĩ dưỡng, sân golf Lăng Cô vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời và bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân, dù đã nhiều lần tổ chức triển khai đo đạc, kiểm kê tài sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần 100 hộ dân ở thôn Phú Hải phải sống chung với dự án “treo” này.


Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô do Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú – Lăng Cô (gọi tắt Công ty Phong Phú – Lăng Cô) làm chủ đầu tư được tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép xây dựng tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh từ năm 2008. 

Đến năm 2010, chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án lên đến 5.230 tỷ đồng với diện tích đất sử dụng 292ha. Trong đó, dự án được thiết kế khu resort 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên có diện tích 17.000m². Phần lớn diện tích đất thuộc dự án là đất sản xuất, nhà ở của người dân và diện tích rừng dẻ phòng hộ ven biển của thôn Phú Hải. 

Vì sống trong vùng quy hoạch dự án “treo”, người dân ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh không thể sửa chữa nhà cửa xuống cấp.

Thế nhưng suốt hơn 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời và bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân, dù đã nhiều lần tổ chức triển khai đo đạc, kiểm kê tài sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần 100 hộ dân ở thôn Phú Hải phải sống chung với dự án “treo” này.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Phú (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Phương Anh (SN 1987) nằm ở đầu thôn Phú Hải. Lúc chúng tôi đến, anh Phú đang đi biển, chị Anh một mình chăm 2 con nhỏ. 

Chị Anh bày tỏ: “Do trước đây không có điều kiện, nhà cửa chỉ xây dựng tạm bợ để có chỗ tránh mưa tránh nắng nên giờ nhà xuống cấp, cứ mưa đến là dột khắp nơi nhưng do ở trong vùng quy hoạch dự án nên không được sửa chữa nhà”. 

Cạnh nhà vợ chồng anh Phú là nhà gia đình anh Bùi Quang Hải (SN 1979) được xây dựng cách đây hơn 20 năm, nay một bên hông nhà bị sạt lở trôi hết đất đá lộ thiên phần móng. Thế nhưng khi anh Hải mua 2 xe đất để gia cố lại bờ móng cũng bị cán bộ xã đến kiểm tra nhắc nhở. 

“Nhiều con em trong thôn sau khi lập gia đình, muốn ra ở riêng cũng không được vì không thể nào xin phép để xây được nhà cửa do cả khu đất rộng lớn này đều nằm trong vùng quy hoạch dự án. Vì ảnh hưởng từ dự án treo nên nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ vào Nam sinh sống với các nghề làm thuê, làm mướn, còn các hộ dân khác như chúng tôi đây thì sống vật vờ trên chính mảnh đất do cha ông để lại”, anh Hải bức xúc nói… 

Theo ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, dù tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan chức năng đã gia hạn giấy phép để Công ty Phong Phú – Lăng Cô điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nhưng đến nay, dự án vẫn chậm trễ thực hiện giai đoạn 1 so với tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư. Sau nhiều lần kiến nghị của chính quyền địa phương, mới đây Công ty Phong Phú – Lăng Cô mới có động thái tiến hành đền bù cho một số hộ dân ở thôn Phú Hải. 

Ngày 22-8-2019, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc đã mời 3 hộ dân Trần Đình Tuấn, Võ Văn Khế, Nguyễn Thị Xuyến thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án bốc thăm lô đất tại khu TĐC Lộc Vĩnh. Riêng các hộ dân còn lại địa phương đang tích cực yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đền bù và bố trí TĐC để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 24 dự án được liệt kê vào danh sách các dự án cần rà soát, thu hồi. Trong đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định chấm dứt hoạt động 9 dự án, nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động 3 dự án. 

Bên cạnh đó, một số dự án tuy nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương nhưng vẫn không có động thái triển khai trở lại. Cụ thể như, dự án sản xuất và kinh doanh các loại nhà lắp ghép của Công ty TNHH Quốc tế Kugler; nhà máy sản xuất kết cấu thép Phú Bài của Công ty TNHH sản xuất TMDV Kim Nguyên; nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn 3. 

Đối với những dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xem xét chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư vẫn không triển khai để sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có 29 dự án chậm tiến độ được giám sát đặc biệt. 

“Dự kiến đến cuối năm 2019, Cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục xem xét tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chấm dứt hoạt động khoảng 12 dự án, bao gồm 5 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi, 7 dự án thuộc danh mục dự án cần giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đối với các dự án còn lại, cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, làm việc với các nhà đầu tư để tham mưu báo cáo UBND tỉnh kịp thời nhằm có biện pháp xử lý theo quy định để tránh gây lãng phí tài nguyên và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án”, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay.

Anh Khoa
.
.
.