Quản lý bùn thải còn bỏ ngỏ

Thứ Năm, 28/02/2019, 09:43
Bùn thải là loại chất thải sinh ra sau quá trình xử lý nước thải, thường có thành phần kim loại nặng và các chất độc hại. 

Lượng bùn thải ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có cơ chế quản lý phân bùn hiệu quả cũng như việc lựa chọn công nghệ cho phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang còn bỏ ngỏ.

Lượng bùn thải gia tăng

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về phát sinh bùn thải trên phạm vi cả nước, các số liệu về bùn thải thường tập trung liên quan đến bùn thải từ bể tự hoại và hệ thống thoát nước tại các đô thị. 

Khối lượng bùn thải được dự báo ngày càng gia tăng cùng với mức tăng dân số và các nhu cầu sinh hoạt của con người. Các công đoạn xử lý nước thải làm phát sinh một lượng bùn thải đáng kể. 

Chỉ tính riêng TP Hà Nội, với tổng công suất thực tế của 4 trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long và Yên Sở là 120.000m³ nước thải được xử lý mỗi ngày, với hàm lượng cặn lơ lửng trong nước thải trung bình 72mg/L, BOD5 là 94g/L, lượng bùn theo trọng lượng cặn khô là trên 10 tấn/ngày, với thể tích bùn chưa xử lý là 350m³/ngày. 

Bùn thải từ các quá trình xử lý nước thải thường có độ ẩm cao nên khó vận chuyển. Hàm lượng chất hữu cơ cao, các chất hữu cơ dễ phân hủy gây mùi hôi thối và làm ô nhiễm môi trường. Bùn cặn có chứa vi khuẩn E.Coli, Salmonenlla, virus Entero, trứng giun, sán... Khâu xử lý bùn cặn chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải.

Thống kê từ Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội công bố năm 2017, mỗi ngày lượng bùn thải thu gom được từ 4 quận nội thành Hà Nội là hơn 6.600 tấn, chưa kể lượng chất thải lỏng từ sân bay Nội Bài. Trong khi đó trạm xử lý phân bùn bể phốt mới chỉ đáp ứng công suất 50 tấn/ngày đêm. 

Tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh lượng bùn thải các loại tổng cộng khoảng 5.000-6.000 tấn. Tại đô thị, hệ số phát sinh bùn cặn từ các công trình vệ sinh là 0,04-0,07m³/người/năm; từ hệ thống thoát nước khoảng 0,146-0,365m³/người/năm. 

Dự báo lượng bùn thải phát sinh tại 7 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đến năm 2020 là 4.980 tấn/ngày; đến năm 2030 là 6.100 tấn/ngày. 

Bên cạnh đó, khối lượng lớn bùn thải từ hệ thống kênh mương, ao hồ vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Trong khi đó, bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh, kênh rạch và bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và xà lan. 

Công tác nạo vét bùn từ mạng lưới thoát nước nhiều đô thị vừa và nhỏ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công, có năng suất thấp, không an toàn và gây nguy hại đến sức khỏe công nhân thoát nước. Nhiều đô thị lớn bước đầu sử dụng cơ giới hóa. Phương pháp xử lý bùn chủ yếu áp dụng tại các trạm xử lý nước thải đô thị là khử nước và chở đi chôn lấp.

Khuyến khích công nghệ tái sử dụng

Việt Nam hiện chưa có cơ chế quản lý phân bùn hiệu quả đối với việc quản lý phân bùn bể tự hoại. Các nỗ lực dự án không tồn tại được lâu hoặc chỉ được xem là những dự án trình diễn. 

Do đặc điểm các đô thị Việt Nam là đô thị cũ, cải tạo và mở rộng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế trong khi mật độ dân số cao, việc thông hút, vận tải bùn từ bể tự hoại của các hộ dân rất khó khăn. Phương tiện hút và vận chuyển cũ, thiếu, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật. 

Việc xử lý kết hợp bùn thải từ bể tự hoại với bùn thải từ hệ thống thoát nước được thực hiện ở một số nước châu Á, châu Phi hoặc một số nước phát triển.

Toàn bộ chất thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh được tập trung về nhà máy xử lý nước thải để xử lý, tuy vậy, việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý này tốn kém và yêu cầu trình độ quản lý cao. 

Ở Việt Nam, bước đầu đã áp dụng một số công nghệ xử lý bùn thải có chi phí thấp. Nhiều sản phẩm được sản xuất ra từ bùn thải được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sử dụng trong nông nghiệp. 

Trạm xử lý nước thải Đà Lạt (Lâm Đồng) sản xuất phân vi sinh từ bùn sau khi làm khô và ổn định bùn bằng sân phơi bùn; Trạm xử lý nước thải Bình Hưng, TP Hồ Chí Minh sản xuất phân vi sinh sau khi làm khô bùn cơ học. Đầu ra của sản phẩm phân vi sinh cũng như ô nhiễm không khí do mùi là các vấn đề nan giải của giải pháp này. 

Ở Hà Nội, trạm xử lý nước thải Yên Sở với công suất thiết kế 200.000m³/ngày, áp dụng công nghệ phân hủy kỵ khí để ổn định bùn, khí biogas được thu hồi và đốt bỏ. Việc tái sử dụng bùn thải còn nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng… Tuy vậy, việc lựa chọn công nghệ cho phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang còn bỏ ngỏ.

Đã có nhiều nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, nhưng phần lớn thiếu phần đầu tư cho việc thu gom, xử lý bùn thải từ mạng lưới thu gom cũng như bùn cạn từ nhà máy xử lý nước thải. Vì vậy các nhà máy đi vào hoạt động nhưng công tác xử lý bùn cặn gặp nhiều khó khăn thậm chí gây ô nhiễm môi trường. 

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng- TP Hồ Chí Minh có công suất 141.000m³/ngày đêm phát sinh bùn cặn khoảng 34 tấn/ngày nhưng chủ yếu được ủ lên men, trộn trấu và đem chôn lấp.  

Trong khuôn khổ của nhiều dự án hỗ trợ phát triển chính thức, đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng thí điểm về xử lý bùn thải từ các công trình vệ sinh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, có thu được kết quả bước đầu, tuy vậy việc nhân rộng hoặc duy trì kết quả còn nhiều hạn chế...

Minh Nguyệt
.
.
.