“Phù phép” để trục lợi từ các dự án trồng rừng của Nhà nước

Thứ Hai, 16/11/2015, 11:13
Thực hiện Dự án trồng rừng 661, ông Chủ tịch UBND xã đã lập dự án, mượn tên 26 hộ gia đình, nhận trồng 109,2 hécta để hưởng lợi…




Nhằm góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học; đặc biệt, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho người dân sống ở nông thôn miền núi, từ năm 1995 đến 2010, các dự án trồng rừng định canh định cư và ADB, trồng mới 5 triệu hécta rừng, hay Dự án 661… được triển khai thực hiện rộng khắp cả nước. 

Tuy nhiên, ở một số địa phương trong đó có tỉnh Quảng Trị, phần lớn rừng này đã bị các cán bộ từ xã, huyện đến tỉnh chiếm dụng trái phép mà không giao cho đối tượng trồng rừng hưởng lợi theo quy định.

Tình trạng cán bộ chiếm dụng đất rừng và rừng thuộc dự án Nhà nước nói trên xảy ra một cách phổ biến tại các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa và Gio Linh. Theo thống kê sơ bộ, thời gian qua đã có hàng nghìn hécta bị chiếm dụng, hưởng lợi trái phép. Trong đó, tại xã Linh Thượng, ông Hồ Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Gio Linh, đã cùng với người thân trong gia đình, bà con họ hàng chiếm dụng tới 28,62 hécta, thuộc dự án khu vực lâm nghiệp – ADB.

Cụ thể, năm 1997, Ban Quản lý các dự án thuộc Ban Dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Trị đầu tư trồng rừng phòng hộ ở xã Linh Thượng với diện tích 50 héc-ta, giao cho người dân ở các thôn Cù Đinh, Ba De trồng, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi. Tuy nhiên, năm 2003, một số diện tích rừng trên bị cháy, UBND xã Linh Thượng làm tờ trình xin thanh lý và trồng mới rừng.

Đến ngày 10/9/2005, UBND huyện Gio Linh phê duyệt cho chủ trương các hộ dân ở Ba De, Cù Đinh trồng mới lại rừng. Nhưng ông Hồ Quốc Hương, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, đã không tuân thủ chủ trương trên của huyện, tự ý khai thác diện tích rừng còn lại không bị cháy, trồng mới rừng trên tổng diện tích 22,2 héc-ta rừng bị cháy và xâm lấn, trồng mới thêm trên diện tích 6,4 héc-ta của Ban Dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Trị.

Năm 1998, thực hiện Dự án trồng rừng 661, ông Hương lúc đó vẫn là Chủ tịch UBND xã Linh Thượng, đã lập dự án, mượn tên 26 hộ gia đình, nhận trồng 109,2 hécta tại tiểu khu 604T, khu vực giáp ranh giữa xã Linh Thượng với các địa phương Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ để hưởng lợi… Hành vi chiếm dụng rừng, đất rừng, nhận hưởng các chế độ, lợi ích từ việc trồng rừng thuộc các dự án của Nhà nước của ông Hương đã bị nhân dân phát giác, tố cáo.

Theo đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc xác minh, xử lý những sai phạm của ông Hương. Trong đó, buộc ông Hương sau khai thác hết cây trên đất, phải bàn giao lại đất rừng này cho địa phương quản lý, phân bổ cho các hộ dân trồng rừng theo đúng đối tượng và đúng quy định. Điều đáng nói, các năm 2013, 2014, ông Hương một lần nữa không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, tự ý chuyển nhượng đất rừng này cho các hộ dân là bà con, người thân trong gia đình của ông.

Việc các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan không xử lý nghiêm những sai phạm của ông Hương đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2013 và 2014, sau khi UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để UBND huyện Gio Linh thu hồi 350 hécta đất rừng thuộc xã Linh Thượng trước đó đã cấp cho một doanh nghiệp tư nhân để trồng rừng, nhiều người dân, doanh nghiệp tư ở ngoài địa phương đã lén lút xâm lấn, trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất này.

Trước tình trạng đó, Công an huyện Gio Linh đã vào cuộc xác minh, kiến nghị các cấp thẩm quyền, ngành chức năng có trách nhiệm liên quan xử lý. Ngày 3-10-2015, ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh ký Công văn số 949/UBND-NN gửi các đơn vị chức năng liên quan, yêu cầu tăng cường công tác quản lý quĩ đất trên địa bàn xã Linh Thượng. Tuy nhiên, đến nay mọi chỉ đạo trên hầu như vẫn còn nằm… trên giấy (!).

Tương tự, tại huyện Hải Lăng, nhiều cá nhân, tổ chức không thuộc đối tượng trồng, chăm sóc và hưởng lợi từ Dự án trồng rừng 661 vẫn chiếm dụng hàng trăm hécta đất rừng để trồng và hưởng lợi theo diện này từ năm 1998 đến nay. Năm 2005, UBND huyện Hải Lăng đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh kiểm tra những sai phạm này. Đến ngày 28/2/2006, UBND huyện Hải Lăng đã có Kết luận số 47/KL-UBND về vụ việc.

Theo đó, buộc các cá nhân, tổ chức, đơn vị không thuộc diện hưởng lợi Dự án 661 phải trả lại đất rừng cho các địa phương quản lý, phân bổ cho các hộ dân theo đúng đối tượng và đúng quy định. Nhưng một số cán bộ có sai phạm liên quan đã “phù phép” rừng này thuộc chủ sở hữu của người khác về mặt giấy tờ, còn thực tế họ vẫn ngang nhiên khai thác rừng và hưởng lợi từ rừng.

Rừng trồng theo Dự án 661 ở Gio Linh đã nhiều lần bị khai thác trái phép, vô tội vạ. 

Trong đó, đơn cử hơn 30 hécta rừng ở xã Hải Lâm trước đây giao cho Công đoàn Kiểm lâm huyện Hải Lăng trồng, chăm sóc và hưởng lợi nhưng không đúng đối tượng nên bị thu hồi. Sau đó, diện tích rừng này trên mặt giấy tờ thì giao lại cho một người dân ở xã Hải Phú tiếp tục bảo vệ và trồng mới rừng. Nhưng thực chất, một cán bộ cũ từng tham gia trồng rừng Dự án 661 ở Hải Lăng đã khai thác và hưởng lợi từ đó đến nay…

Thực hiện Dự án trồng rừng 661 từ năm 1998 đến 2010, các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa đã trồng tổng cộng khoảng 10 nghìn hécta rừng. Theo quy định, mỗi hộ dân thuộc diện được trồng rừng dự án này, được phép trồng đến 29,9 hécta. Nhưng thực tế, hầu hết các hộ dân đều nhận được đất rừng rất ít. Chẳng hạn như ở Linh Thượng, bình quân mỗi hộ chỉ nhận được 2-3 hécta, có hộ chỉ 1-2 hécta...
Thanh Bình
.
.
.