Phòng ngừa "thú cưng" cắn người

Thứ Bảy, 04/05/2019, 10:11
Nhiều vụ trẻ em bị chó cắn gây thương vong từ đầu năm tới nay khiến người dân cảm thấy vô cùng bất an, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, thống kê của cơ quan chức năng, vẫn có 7 quận, huyện nằm trong danh sách "điểm nguy cơ" vì tình trạng chưa thể xây dựng vùng an toàn bệnh dại.

Trong đó, việc quản lý chó nuôi tại các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Riêng tại tỉnh Kon Tum trong 4 trường hợp tử vong do bị chó cắn thời gian qua thì 3 trường hợp đều chủ quan không tiêm vaccine điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Khi "thú cưng" bột phát cơn điên

Trải qua trên 30 năm trong nghề phẫu thuật răng hàm mặt (RHM), TS.BS CKII Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa RHM - Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ông đã trực tiếp phải xử trí "một ngàn có lẻ" các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tâm vì chó cắn.

Nhẹ thì là những vết cào cấu, trầy xước, rách da mặt, da tay, có thể để lại sẹo và không di chứng. Song, những ca nặng thì ám ảnh nhiều năm sau do những vết thương từ răng chó làm rách, toác khuôn mặt của nạn nhân, hay để lại khoảng "hổng" trên khuôn mặt trẻ. Vết tổn thương có thể làm cho nạn nhân bị tàn tật, thậm chí có bé bị chó cắn bay mất cả bộ phận sinh dục rất thương tâm.

Chó tấn công người không chỉ gây bệnh dại, mà còn gây bệnh uốn ván-Tetanus rất nguy hiểm.

Một cậu bé 6 tuổi (ngụ tại Hóc Môn) chuẩn bị lên lớp học. Trong lúc ông nội của bé lo dắt xe máy ra chở cháu tới lớp, để bé lúc này đứng cạnh con chó nuôi của nhà. Bé tình cờ dùng một cái cây khùa vào người con chó. Nào ngờ nó giật mình nhảy lên vồ vào mặt bé và nhanh như chớp, con chó ngoạm trọn cả khuôn mặt của bé, cắn đứt nguyên cái mũi em văng khỏi cơ thể. Các vết cào rách trên cơ thể bé thì chi chít.

Hay có trường hợp một bé trai 2 tuổi cũng bị chó cắn rất đau thương. Nhà làm nghề lái xe tải, trong lúc cả nhà khiêng hàng lên xe tải, con chó nhà nuôi ngủ dưới gầm xe. Cậu bé con ông chủ lén chui xuống gầm xe chơi với con chó. Bé cũng lấy một chiếc gậy chọc nhẹ con chó một cái. Bất ngờ, con chó vùng dậy và cắn xé dữ dội bé vì bị giật mình khi đang giấc ngủ say. Mọi người tìm cách cứu cậu bé nhưng đuổi bắt con chó vô cùng khó khăn.

Cho tới lúc gia đình cứu được bé khỏi con chó thì mặt mũi cơ thể bé đã nát nhừ, rách toác nhiều chỗ trên vùng mặt. TS.BS Đẩu còn nhớ một trường hợp bé bị thương tương tự do con chó nổi điên cắn, "nhay" vết thương.

Đó là trường hợp bé gái (9 tuổi, ngụ tại quận 12). Để cứu khuôn mặt cho bé này, ê kíp các BS đã khâu tới 200 mũi và khâu suốt 3 giờ mới xong để lấy lại phần nào hình hài khuôn mặt cho bé vì vết chó cắn làm rách toạc vùng má, kéo dài lên tận thái dương trái, vùng mắt phải của cô bé thì suýt vỡ cả nhãn cầu.

Cần phòng ngừa bệnh truyền nhiễm từ chó cắn

Cũng theo TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, hiện nay, khâu đề phòng, ngừa bệnh truyền nhiễm từ chó còn bỏ sót, không mấy ai quan tâm tới việc bệnh "Phong đòn gánh" do nhiễm phải vi khuẩn Tetanus từ chó. Nạn nhân nhiễm phải vi khuẩn này trong quá trình bị chó tấn công. Khi chó lao tới cắn người, thường trong tư thế chồm hai chân trước lao lên cơ thể người.

Ở người lớn, vị trí bị thương thường sẽ là bên hông, bụng, đùi, tay, và chân. Nhưng ở trẻ vì các em còn bé nên vết thương chó cắn đều là vùng mặt và vùng cổ. Khi ấy, chó sẽ chồm hai chân trước lên, dùng miệng và răng để "phát huy" cơn giận bản năng. Toàn bộ móng vuốt hai chân trước theo phản xạ là cào xước, rách vùng bị tấn công. Các vết thương này được nhận định là vết thương bẩn.

Chó hoang, chó thả rông tấn công thì càng gây nên vết thương bẩn vì vùng miệng, răng của chó nhiễm nhiều vi khuẩn do chúng sống trong nơi rác thải, do chúng bươi xác động vật chết ăn. Trong đó nguy hiểm nhất là vi khuẩn Phong đòn gánh (uốn ván - Tetanus).

Vi khuẩn này cũng nằm nhiều nhất ở các kẽ ngón chân của chó mà trong quá trình tấn công người đã nhanh chóng nhiễm vào vết thương khi rách da. Uốn ván Tetanus thực tế còn bị bỏ qua mà đây là một bệnh rất nguy hiểm.

Bệnh không được phát hiện, nên người bị chó cắn không chết vì bị chó dại cắn, vẫn tiêm phòng bệnh dại đủ mũi nhưng vẫn bị tử vong do vi khuẩn khi phát tác tấn công thẳng vào cùng thần kinh trung ương, vùng não gây viêm màng não, tử vong.

Do vậy, BS cũng khuyến cáo, nếu phát hiện nạn nhân bị chó cắn thì công việc đầu tiên là cần sơ cấp cứu. Tìm cách rửa, xối vết thương ngay dưới vòi nước để đẩy nhanh chất bẩn, chất dơ dính từ miệng, răng chó ở vết thương. Có thể dùng bất cứ loại xà phòng nào cũng được để đẩy nhanh chất bẩn ra ngoài, tìm cách cầm máu rồi đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ngừa bệnh uốn ván Tetanus, còn phải theo dõi bệnh dại, BS phải khai thác yếu tố từ gia đình, người thân để bắt, nhốt bằng được con chó đó. Tránh tình trạng quá nóng giận mà đập chết con chó sẽ vô tình làm mất đi cơ hội theo dõi sức khoẻ con chó có dại không, nếu dại sẽ tiêm phòng cho bé bị chó cắn theo kiểu khác. Nhốt, cách ly chó lại trong quá trình theo dõi.

7/24 quận, huyện còn nằm trong danh sách "điểm nguy cơ"

Trao đổi với PV chiều 26-4, ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện nay, trong công tác quản lý vật nuôi, do ý thức của một số hộ dân chưa được tốt không chỉ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung của cộng đồng mà lo ngại nhất là nạn chó thả rông hại người, nhất là gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ chó cắn trẻ rất thương tâm.

Hiện trên địa bàn TP có 114.206 hộ nuôi chó mèo với tổng đàn là 205.705 con. Tỷ lệ tiêm phòng đạt 98%. Tuy nhiên, tại vùng nội thành khi triển khai tiêm phòng đợt chính thì một số ít chủ hộ có nuôi chó mèo không có nhà nên cán bộ thú y phải đi lại nhiều lần mới tiêm phòng được. Còn ở ngoại thành, một số hộ nuôi chó thả rông nên công tác tiêm phòng cũng gặp khó khăn.

Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tiêm phòng đợt chính vào tháng 3 – 4. Nếu người dân không tuân thủ theo quy định thì sẽ lập danh sách các hộ không chấp hành tiêm phòng theo quy định và gửi về chính quyền địa phương. Nếu không chấp hành tiêm phòng sẽ bị xử phạt về hành vi này.

Theo qui định, người dân nuôi chó bắt buộc phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó; nuôi chó phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; theo đó, việc nuôi chó bắt buộc phải  tiêm phòng dại định kỳ hàng năm và tiêm chó mèo từ 12 tuần tuổi trở lên.

Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.