Giải "bài toán" phương tiện vi phạm đang thành “sắt vụn” (bài cuối)

Thứ Năm, 07/01/2016, 08:35
Đại tá Huỳnh Đấu Tranh – Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết: “Chỉ chuyện sợ kho, bãi giữ phương tiện vi phạm bốc cháy thôi cũng có thể đã mất ngủ. Trong khi đó, từ khi tạm giữ, đến khi ban hành quyết định tịch thu và bàn giao phương tiện vi phạm cho đơn vị có chức năng thanh lý, lực lượng Công an luôn gắng sức và tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật”.


Trung tá Văn Nam Giang, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) kể: Cũng như trước đây, tại kho giữ phương tiện vi phạm nằm dưới chân cầu Hưng Lợi, các cán bộ thuộc tổ xử lý vi phạm phải vất vả luân phiên nhau “trực chiến” 24/24h. Phía đại diện chủ kho cũng phân công người trực. Công tác trực kho luôn được duy trì tốt nhất không chỉ phục vụ yêu cầu của lực lượng tuần tra mà còn nhằm đảm bảo cho các phương tiện không bị hư hỏng, mất mát và đặc biệt là cháy nổ. 

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng PC67 Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, các phương tiện tính từ ngày bị tạm giữ (nếu không có người đến nhận), chờ hoàn tất các thủ tục bán đấu giá cũng mất tới 18 tháng. Đối với huyện, thị, thành phố thì có thể 3 - 4 tháng bán đấu giá một lần đối với phương tiện đã có quyết định tịch thu (xe tang vật buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tụ tập cổ vũ đua xe…). 

“Số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ ngày càng nhiều, trong khi kho bãi không đáp ứng kịp buộc phải bỏ ngoài sân nên việc hư hao tài sản là điều khó tránh khỏi”, Thượng tá Dũng nói.

Theo quy định hiện hành, một phương tiện xe máy vi phạm bị tạm giữ thì 7 ngày sau, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Trong 10 ngày, phải tống đạt quyết định xử phạt hành chính đến người vi phạm. 

Trường hợp không có người đến nhận phương tiện, cơ quan đang tạm giữ phương tiện tiến hành lập biên bản phương tiện bị tạm giữ quá hạn, thông báo trên toàn quốc, trên các phương tiện thông tin đại chúng 3 kỳ (mỗi kỳ 30 ngày và cách nhau 10 ngày) truy tìm chủ sở hữu hợp pháp và niêm yết tại cơ quan. 

Sau khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (12 tháng), cơ quan thẩm quyền ra quyết định tịch thu, thành lập hội đồng định giá, giám định và chuyển qua bán đấu giá.

Hàng trăm phương tiện bị tạm giữ từ cuối năm 2014 nhưng để bán đấu giá phải chờ đến 18 tháng sau. Ảnh chụp tại Công an tỉnh Vĩnh Long.

“Nhiều trường hợp vi phạm các lỗi nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe hoặc quên giấy tờ thì người vi phạm hoặc chủ sở hữu bỏ luôn phương tiện. Có trường hợp bị tạm giữ phương tiện, bằng lái, giấy đăng ký phương tiện thì người điều khiển cũng bỏ luôn. Một số trường hợp sau khi nhận biên bản xử phạt nhưng không đóng phạt thì mình cũng không thể cưỡng chế mà phải chờ hết thời gian xử phạt hành chính”, Trung tá Thiện cho hay.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại kho bãi giữ phương tiện vi phạm của Phòng PC67 Công an tỉnh Đồng Tháp. Trung bình, hằng năm số phương tiện vi phạm được lực lượng Công an toàn tỉnh tạm giữ khoảng 20.000 chiếc. Trong số này, cả ngàn phương tiện vi phạm không có người đến nhận, phải nằm “chỏng chơ hoang phế” trong khuôn viên của đơn vị PC67 và Công an các huyện, thị, thành phố. 

Trung tá Nguyễn Văn Út, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Cao Lãnh cho biết: Có đến 99% phương tiện bị người điều khiển vi phạm bỏ luôn sau khi bị tạm giữ là xe do Trung Quốc sản xuất, giá trị còn lại rất… bèo, có chiếc chỉ vài trăm ngàn đồng. Hiện Công an TP Cao Lãnh đang hoàn tất hồ sơ bàn giao cho Phòng Tài chính TP khoảng 300 phương tiện để tiến hành bán đấu giá. 

Trong những ngày tìm hiểu quanh thực trạng đáng ngại này, PV Báo CAND gặp không ít người từng quyết định bỏ xe bởi nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là nếu đến lấy xe về, đồng nghĩa với việc họ phải hoàn tất việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính, trả tiền lưu bãi, lưu kho. Chưa hết, đem xe ra phải đi sửa mới chạy được. Cũng như nhiều vùng, miền, địa phương khác của cả nước, lực lượng Công an các tỉnh miền Tây thật sự xót xa khi chứng kiến hình ảnh xe vi phạm phơi mưa, phơi nắng và ngày đêm biến thành sắt vụn.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Huỳnh Đấu Tranh, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho rằng, chế tài tạm giữ phương tiện vi phạm không phải là hình phạt chính, mục đích chính của việc tạm giữ phương tiện là nhằm răn đe người tham gia giao thông vi phạm. 

Khi lập biên bản tạm giữ phương tiện là đụng đến tài sản, đụng tới “chân đi” của người vi phạm, chủ phương tiện. Trong thời gian tạm giữ phương tiện, nếu mình không bảo quản tốt, đến ngày nhận xe ra, chủ phương tiện đổ xăng vào chưa hẳn là chạy được, lại phải dắt đến tiệm sửa, tốn kém. 

Công an TP luôn mong có kho bãi đàng hoàng để bảo quản phương tiện của người dân không bị xuống cấp trong thời gian bị tạm giữ, thế nhưng điều đó không dễ thực hiện nhất là trong bối cảnh phương tiện xe máy đang tăng với tốc độ “nóng”; trong khi ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người còn rất hạn chế.

Theo Đại tá Huỳnh Đấu Tranh, để tránh lãng phí cho người dân, cho xã hội, vẫn phải bắt đầu từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền pháp luật giao thông cần được tiếp tục thực hiện sâu rộng hơn, để người dân nhận thức đầy đủ mà chấp hành một cách tự giác. 

Một khi người tham gia giao thông hiểu đầy đủ các vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện, họ sẽ có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, hoặc nếu có vi phạm thì cũng chỉ những lỗi sơ đẳng. 

Bên cạnh đó, cần sớm có quy định thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm để tránh tình trạng “chủ bỏ xe”. Đối với số xe thuộc diện tịch thu, tiến hành đấu giá sung công quỹ, các bên có liên quan cần linh hoạt, tiến hành khẩn trương hơn chứ không kéo dài lê thê từ 1-2 năm như hiện nay...

TH. BÌNH – VĂN VĨNH
.
.
.